Chuyên cung cấp Đèn sưởi nhà tam giá ưu đãi tốt nhất thị trường.

Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

Âm mưu thực hiện cách mạng màu ở Việt Nam

Cái gọi là “ cách mạng hoa nhài ” ở Ai Cập, Tuy-ni-di, Li-bi, Cách mạng 5 tháng 10 ở Serbia (2000), Cách mạng Hoa hồng ở Gruzia (2003), Cách mạng Cam ở Ukraina (2004), và Cách mạng Tulip ở Kyrgyzstan(2005). một số kẻ phản động trong và ngoài nước đang hí hửng cho rằng, các cuộc “cách mạng” ấy chẳng bao lâu sẽ lan tới Việt Nam. Chúng kích động những người nhẹ dạ cả tin, kêu gọi biểu tình, “ tập dượt ” cho một cuộc “ cách mạng hoa sen” để lật đổ chế độ XHCN.

Hậu quả những cuộc biểu tình ở Ai Cập

Trước hết, có thể nhận thấy ngay đây là một chiêu bài “Diễn biến hòa bình”, lợi dụng các trào lưu xã hội trên thế giới để phát động phong trào chống đối, đi tới lật đổ chế độ XHCN ở Việt Nam. Ở đây, từ “cách mạng” đã bị lạm dụng đến mức nguy hiểm. Trên thực tế, những cuộc “cách mạng nhung”, “cách mạng cam”, “cách mạng hoa nhài” hay hoa gì đi chăng nữa không hề tạo ra một sự biến đổi xã hội mang tính sâu sắc, toàn diện, tạo bước ngoặt thay đổi về chất trong mọi lĩnh vực xã hội, thay thế hình thái kinh tế - xã hội lỗi thời, lạc hậu bằng hình thái xã hội cao hơn mà thực chất chỉ là cuộc lật đổ chế độ bằng các thủ đoạn phi bạo lực kết hợp với bạo lực ở mức độ khác nhau. Sự độc tài, bất công chẳng những không mất đi mà còn trầm trọng hơn, đổ máu nhiều hơn, nghèo đói nhiều hơn, bất ổn nhiều hơn. Vì vậy, không thể gọi đó là một cuộc cách mạng dù nó có mang màu sắc sặc sỡ bao nhiêu, mang tên loài hoa đẹp bao nhiêu đi chăng nữa! Đặc biệt, hoa sen, một loài hoa với vẻ đẹp Việt Nam và mang nhiều triết lý nhân sinh Việt Nam, không thể gắn với những âm mưu và hành động đi ngược lợi ích của Tổ quốc, dân tộc, mang lại khổ đau, chém giết, huynh đệ tương tàn.
Tại nhiều diễn đàn, mạng xã hội trên internet hiện nay, các thế lực thù địch hải ngoại có khá nhiều bài viết, thậm chí cả các chương trình truyền hình, đối thoại, bàn luận khá rầm rĩ về “cách mạng hoa nhài và hiện tình Việt Nam”. Một số nhân vật chống Cộng say sưa phân tích thế sự từ Tây sang Đông, từ chuyện Ai Cập, Tuy-ni-di, Li-bi... để "soi rọi", "cảnh báo cho quốc dân đồng bào trong nước". Chúng cho rằng, một cuộc cách mạng dân chủ theo kiểu mẫu của phương Tây, có thể tạo ra cuộc “chuyển giao quyền lực êm đềm, không đổ máu” ở Việt Nam. Chúng huênh hoang, bất chấp lý luận về cách mạng xã hội khi lập luận: "Cách mạng hoa nhài" mang tính tự phát của quần chúng, không cần gắn liền với một ý thức hệ, cương lĩnh hay tổ chức nào cả và đây lại là một yếu tố quan trọng góp phần thành công mà những cuộc cách mạng trước kia không có. Kiểu “lý luận” này thực sự chỉ là một kiểu suy luận bừa. Lê-nin từng nói: “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng”. Nếu cuộc cách mạng không cương lĩnh, không tổ chức, thì cuộc cách mạng đó vì ai, dựa vào đâu?
Sự thâm độc, xảo quyệt của chiêu bài này càng lộ rõ khi các thế lực phản động và thù địch "mách" rõ những cách làm rất cụ thể, tỉ mỉ cho từng giai tầng, lực lượng xã hội ở Việt Nam. Chúng luôn đề cao vai trò của các mạng xã hội và công cụ internet, từ facebook, youtube đến twitter, thậm chí điện thoại di động là “vũ khí hữu hiệu” trong việc tập hợp lực lượng nổi dậy ở nhiều nước. Từ đó, chúng kích động giới trẻ Việt Nam hãy tận dụng lợi thế của sự phát triển internet để “hành động”. Chúng cũng cho rằng cách mạng “hoa sen” thuận lợi hơn vì dân số trẻ, sẽ đi theo từng nấc thang để chính quyền khó đàn áp. Chúng đưa ra các bước hành động: Ban đầu chỉ kêu gọi nhau tụ tập mặc áo trắng ở chỗ đông người rồi dần dần tiến tới tụ tập vì biển, đảo, vì kinh tế khó khăn. “Hương hoa nhài, hoa sen” sẽ khích lệ tiếng nói đối kháng qua các phong trào cùng ký tên vào tâm thư, thỉnh nguyện, các bản tuyên cáo, kiến nghị nào đó để tạo dư luận xã hội. Ở nấc thang cao hơn, sẽ phát động biểu tình sẽ hướng tới phản đối những hạn chế trong điều hành, quản lý kinh tế, những tiêu cực xã hội rồi tiến tới kêu gọi lật đổ chính quyền, phát động phong trào “toàn dân xuống đường... cứu nước”. Chúng lại đưa ra chiêu bài kêu gọi: “Quân đội nhân dân sẽ thực sự là của nhân dân nên sẽ không bắn vào người biểu tình. Lực lượng công an và quân đội hãy trở về với nghĩa vụ giúp đỡ và bảo vệ nhân dân, vốn đã sinh ra và nuôi nấng mình”. Khi các cuộc biểu tình đã được đẩy lên ở mức cao tại các thành phố lớn, sẽ có sự hà hơi tiếp sức của các tổ chức phản động trong và ngoài nước, rồi chúng sẽ kêu gọi sự can thiệp của nước ngoài... Nhìn lại một vài cuộc tụ tập đông người vừa qua, có nhiều dấu hiệu cho thấy đã có bàn tay kích động, đứng sau của các thế lực thù địch theo một “kịch bản” dài hơi.
Chúng ta không cần một cuộc “cách mạng hoa sen, hoa nhài” hay loài hoa nào khác, mà kiên trì con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Chúng ta nhận thức sâu sắc rằng, thời kỳ quá độ lên CNXH là một quá trình đầy khó khăn, gian khổ, kéo dài. Chỉ có sự đoàn kết, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, nhìn thẳng vào sự thật, đấu tranh đẩy lùi tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực xã hội, hạn chế các yếu kém trong quản lý, điều hành xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh mới giúp cho cách mạng XHCN sớm thành công. Cái gọi là “cách mạng màu, cách mạng hoa” mà các thế lực thù địch đang mưu toan chỉ là sự lừa phỉnh nhân dân.

Vũ Thạch !

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

ANH HÙNG NGUYỄN VĂN BẢY - NGƯỜI PHI CÔNG CHỈ CÓ Ở VN


Thú thật , mỗi lần đọc bài về anh hùng Nguyễn Văn Bảy, tôi vẫn còn nguyên cảm giác thích thú , thú vị như lần đầu. Thật ngạc nhiên , một huyền thoại của không quân Việt Nam lại bình dân và gần gũi đến vậy, đặc biệt là cách nói chuyện “tiếu lâm” đậm chất nông dân Nam Bộ và đáng quí hơn hết là tinh thần “fair play”, không hề mang nặng hận thù mà lại tôn trọng đối phương, tiếp đãi người từng đấu với mình như 2 người bạn – khi nhắc đến Steve Richie – người từng không chiến với mình, anh hùng Bảy dùng từ “ông bạn”.


Ông lui về sống với mảnh đất nơi ông sinh ra ở xã Hòa Thành, TT Lai Vung (Đồng Tháp). Men theo con đường đất dọc bờ kinh, cây cối rậm rạp, sâu hun hút. Chỉ cần nói “ đi vô trại ông Bảy”, thì dân xứ này ai cũng biết. Ông là Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Bảy, một trong 3 phi công đầu tiên được phong tặng danh hiệu cao quý này...


Anh hùng Nguyễn Văn Bảy


Lừng lẫy chiến công

Anh hùng phi công một thời giờ bước sang tuổi 75, vẫn cái dáng dong dỏng cao, đầu quấn khăn rằn Nam bộ, quần áo cũ mèm, lấm lem bùn đất, đi chân trần vừa rửa dưới mép nước kinh lên. Ông cười rất phúc hậu: “Mầy thấy rặt nông dân Nam Bộ không? Tao đi đào khoai mỳ, sẵn vớt luôn mấy con cá nướng cho tụi bay nhậu”. Là chỗ quen biết, nên ông chân tình, mộc mạc như cây lúa. Ông kêu thím Bảy vào bếp nấu nướng.

Ông nói vui: “Đời tao ngộ lắm mầy. Người ta thì “ba chìm, bảy nổi” còn tao tới chín lần bảy”. Ông là con thứ 7, tên Bảy, 17 tuổi đi bộ đội, học 7 ngày, 7 lớp, 7 lần bóp cò, bắn rơi 7 máy bay, lái MiG-17, năm 67 phong Anh hùng. 

Tên cha mẹ đặt là Nguyễn Văn Hoa, sinh năm 1936, tại xã Hòa Thành, Lai Vung. Lớn lên bị chê tên “con gái” nên sẵn thứ 7 ông lấy tên Nguyễn Văn Bảy. Năm 17 tuổi, cha mẹ ép lấy vợ, ông bỏ trốn theo bộ đội. Ông cười khà khà: Thấy còn nhỏ, mấy ông chưa nhận đâu. Nhưng tao cứ lẽo đẽo theo suốt, thấy cơm dọn là sà vào ăn, ai nhờ gì là làm. Rồi thành bộ đội ngon lành.


Năm 1954 lên đường tập kết, cuối năm 1960 được chọn đi Trung Quốc học lái máy bay. Ông kể: Hồi nhỏ học lõm bõm biết đọc thôi. Lên Lạng Sơn thầy giáo dạy “tốc hành” 7 ngày, học 7 lớp. Chỉ để ý nghe, nhìn và nhớ mấy cái hình vẽ, mấy định lý, định luật, nguyên lý cơ bản. Nhờ có trí nhớ “học lóm” bẩm sinh mà ông nhớ nằm lòng. 

Nhớ lời huấn thị của Bác Hồ trước giờ lên đường: “Các cháu là những học sinh, chiến sĩ miền Nam, hãy cố gắng học tập và rèn luyện cho tốt để sau này trở thành những phi công giỏi, chiến đấu thống nhất đất nước mình. Và còn chở Bác về thăm đồng bào miền Nam nữa chứ!”, ông luôn phấn đấu học tập. Năm 1965, tốp phi công đầu tiên của Việt Nam từ Trung Quốc lái máy bay về Gia Lâm.

Ông tham gia chiến đấu 13 trận, bảy lần bóp cò bắn là 7 máy bay Mỹ rơi và chưa lần nào phải nhảy dù. Ông kể: Có lần bắn nó cháy bốc khói nghe cái bụp đã lắm, tao lượn sát để nhìn, suýt nữa là đâm vào núi, kéo cần lên kịp nhìn thấy ngọn cây sát bên buồng lái. 

Ngồi bên ngạch cửa căn chòi, sau lưng là ruộng lúa trong ánh nắng chiều bàng bạc, ông rít thuốc lá, nhấp chung rượu đế ngâm chuối hột rồi kể chuyện. Đó là ngày mồng 7-10-1965, khi chiến đấu trên bầu trời Yên Thế, máy bay của ông bị trúng đạn, thủng kính buồng lái. 

“Có lỗ to như trái cau, trái quýt Lai Vung”, ông dùng tay bịt lỗ thủng to nhất... hạ cánh an toàn. Dưới đất, đồng đội reo mừng, các chuyên gia Liên Xô thán phục về tinh thần dũng cảm tuyệt vời của phi công VN. Lần đó, ông đếm tất cả 82 lỗ thủng nắp buồng lái. 

Ông nhớ nhất là trận không chiến ngày 5-9-1966 cùng phi công Võ Văn Mẫn (quê Bến Tre). Khoảng 4 giờ chiều, máy bay hải quân địch vào cầu Giẽ đánh phá. Nhận lệnh cất cánh, nhưng khi bay vào không vực thì địch đã rút. 

Lúc đó, phát hiện một tốp địch vào Phủ Lý (Hà Nam), Sở chỉ huy dẫn đường để các ông công kích. Phát hiện mục tiêu như hai chấm đen cách 5 km, ông lệnh cho Mẫn (số 2) thả thùng dầu phụ, tăng tốc đối đầu. Địch hốt hoảng, nương theo mây lẩn trốn. 

Ông bay tắt, xé ngang mây đón đường. Qua đám mây, nhìn thấy máy bay địch, chúng rất hoảng sợ vừa bay, vừa chao cánh né đạn. Ông bám theo chiếc thứ hai, xả đạn vào buồng lái, phi công chết, máy bay lao xuống. Còn Võ Văn Mẫn bám theo chiếc số 1 nổ súng, máy bay địch bốc cháy, phi công nhảy dù.

Trận đánh chớp nhoáng trong 45 giây, hai phi công người miền Nam hạ hai máy bay tiêm kích F8 rơi cách nhau 10 km. Ông và ông Mẫn được Bác Hồ gửi tặng huy hiệu.

Năm 1967, Bác Hồ tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho 3 phi công VN, trong đó có Thượng úy Nguyễn Văn Bảy. Cũng năm này cậu con trai chào đời, ông đặt tên Phi Hùng như một kỷ niệm chiến công. 

Ông trải qua nhiều cương vị công tác: Trung đoàn trưởng Trung đoàn 937, Phó tư lệnh Sư đoàn 372, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Không quân (nay là Binh chủng PK-KQ), được tặng 7 huy hiệu Bác Hồ. Sau ngày thống nhất, ông vào tiếp quản sân bay Cần Thơ, từ đây ông thay mặt quân chủng điều hành các sân bay miền Nam như : Biên Hòa, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. 

Nông dân Nguyễn Văn Bảy

Chiến đấu với phi công Mỹ, kể cả khi máy bay trúng đạn thủng 82 lỗ cũng không sao, thế mà ông thành thương binh vì máy bay trực thăng. Đó là dịp Tết 1986, ông thay mặt Quân chủng dùng trực thăng chở đào Nhật Tân tặng cho các đơn vị PKKQ phía Nam. Lúc trực thăng cất cánh ở SVĐ Bạc Liêu, phi công bất cẩn để chạm cây đổ nhào làm ông bị thương. 

Nghỉ hưu năm 1990, ông ở tại TP Hồ Chí Minh một thời gian rồi về xã Tân Phú Đông, TX Sa Đéc đào ao nuôi cá, làm chuồng nuôi heo, lên liếp, giồng đất trồng cây ăn trái. Hồi đó, các trường học của Đồng Tháp mời ông nói chuyện. Ông lấy tiền bồi dưỡng bỏ vào heo đất, gây quỹ tiết kiệm. Học sinh, nhà trường và Đoàn Thanh niên phát động phong trào “nuôi heo đất ông Bảy”.

Một hôm, ông tiếp vị khách đặc biệt tại Sa Đéc là Trung tướng Không quân Mỹ, GS. Steve Richie, “đối thủ” 40 năm trước lái máy bay F- 4 tham gia nhiều trận chiến trên không phận miền Bắc. Tướng Steve Richie đi cùng con gái người bạn phi công bị Nguyễn Văn Bảy bắn hạ.

Ngoài việc xác định chính xác về chiếc máy bay bắn cháy, phi công không bung dù kịp, hai người phi công từng là kẻ thù của nhau đã ngồi tâm sự nhiều chuyện đời như thể họ là bạn bè sau nhiều năm không gặp. Ông Bảy kể : “Hôm đó tao mần con gà ác nuôi trong vườn, nướng nước mắm, thêm rau vườn và cá lóc..nhậu rượu đế đã đời. Ông bạn Mỹ vui lắm, khen ngon luôn miệng”. 

Năm 2009, ông Steve Richie tới Hà Nội trong một chuyến du lịch, đến thăm Bảo tàng Phòng không- Không quân, tình cờ biết buổi giới thiệu sách của cựu phi công Lưu Huy Chao “Chúng tôi và MiG-17” có anh hùng Bảy, ông tha thiết xin được tham dự và gặp lại cố nhân.

Năm 2009, ông Bảy giao nhà cho con gái rồi hai vợ chồng về ấp Hậu Thành, xã Hòa Thành, Lai Vung -mảnh đất ngày xưa ông đã sinh ra lớn lên dựng cái chòi bên bờ bao nuôi cá, trồng lúa, trồng khoai. Thấy cảnh dân nghèo chưa có điện, đèn dầu tù mù, ông vận động các doanh nghiệp, bà con góp tiền xin chính quyền kéo điện về thắp sáng vùng sâu. Giờ thì ông tiếp tục vận động làm con đường trên 1 km. Ông nói chắc như đinh: Năm sau tụi bay về chơi, xe ô tô chạy vào tới nơi.

Mới đây khi bốc dỡ đám khoai mỳ trên bờ bao trồng lâu năm để làm thức ăn cho cá, heo, bất ngờ ông đào được các bụi mỳ có củ nặng từ 10 kg đến 22,5 kg khiến bà con quanh vùng ngạc nhiên. 

Ngồi uống rượu với ông không bao giờ chán vì ông hay kể chuyện tếu, chuyện thời trai trẻ, chuyện bắn máy bay Mỹ. Thím Bảy (Trần Thị Niên) cũng là người Lai Vung. Năm 9 tuổi gia đình gởi xuống tàu tại bến sông Đốc- Cà Mau đi tập kết. 

Hồi đó thím Bảy là học sinh miền Nam, anh phi công Bảy ở sân bay Cát Bi- Hải Phòng lúc rảnh ra chơi gặp đồng hương rồi quen và yêu nhau. Lúc đám cưới (tháng 4-1966), ông trực chiến ở sân bay đến 7 giờ tối. Một mình cô dâu từ Hà Nội xuống. Chú rể hết ca trực chạy vù đến nghe tổ chức tuyên bố… 45 phút sau, có báo động, chú rể quay lại sân bay chuẩn bị xuất kích. 

Giờ bóng chiều đã dần nghiêng đổ, hai vợ chồng anh hùng phi công trở thành nông dân thứ thiệt. “Tao chạy xe bị công an thổi phạt hỏi bằng lái. Tao nói chỉ có bằng lái máy bay, còn bà xã mới có bằng lái xe hai bánh…”- Vuốt chòm râu dài rung rinh trong gió, ông cười khà khà, thoải mái làm sao. “Từ ngày hưu đến giờ, đêm ngủ chưa bao giờ nằm mộng thấy máy bay, chiến đấu hay chiến tranh. Có lẽ vì tao trả xong nợ nước, nên thanh thản, an nhàn”.


Sưu tầm Internet

Xóa đói, giảm nghèo - một nội dung cơ bản để phát triển nhân quyền


Nhân quyền, với ý nghĩa chân chính cần được nhìn nhận trên bình diện rộng mà ở đó, con người được xã hội quan tâm tạo điều kiện để có thể phát triển toàn diện về đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Ngày Quốc tế nhân quyền (10-12) và 64 năm Liên hợp quốc công bố Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (1948 - 2012) là dịp để chúng ta đánh giá và khẳng định những thành tựu nhân quyền nổi bật thể hiện qua công cuộc xóa đói, giảm nghèo đã được tiến hành ở Việt Nam trong suốt mấy chục năm qua.

Xóa đói giảm nghèo bền vững : Thanh tựu và thách thức

Ðối với vấn đề nhân quyền, quan điểm của Liên hợp quốc (LHQ), cũng như quan điểm và luật pháp Việt Nam đều khẳng định các quyền cơ bản của con người là: quyền sống, quyền tự do và an ninh cá nhân, quyền bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ, quyền được tự do đi lại và cư trú... Các quyền ấy chỉ có thể được thực hiện khi các nhu cầu thiết yếu của con người được bảo đảm, đó là sự đáp ứng nhu cầu về ăn, mặc, ở, về nước sạch, khám, chữa bệnh và giáo dục. Ðiều này thể hiện rõ ở khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Cơm áo, học hành của nhân dân chính là biểu hiện sâu sắc, cụ thể nhất của quyền con người, và phù hợp với sự phát triển ở một quốc gia có nền tảng kinh tế ở trình độ thấp, dân trí còn chưa phát triển. Cũng từ quan điểm này, việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trở thành mục tiêu hàng đầu, nhất quán, xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của Ðảng Cộng sản Việt Nam, được cụ thể hóa bằng pháp luật cùng các chính sách của Nhà nước trong từng thời kỳ.
Trong những năm qua, Ðảng và Nhà nước ta luôn coi xóa đói, giảm nghèo (XÐGN) là một nội dung hết sức quan trọng trong các chính sách xã hội. Mục tiêu của phát triển kinh tế ở nước ta là xóa bỏ đói nghèo, nâng cao đời sống nhân dân gắn với bảo đảm các quyền của con người, vì sự phát triển toàn diện của con người. Ðồng thời, chúng ta coi con người vừa là động lực, vừa là nhân tố quan trọng nhất để đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, công cuộc XÐGN được chính thức phát động và đẩy mạnh vào đầu những năm 90, thế kỷ 20, cùng với sự nghiệp Ðổi mới của đất nước. Hàng loạt chương trình XÐGN đã và đang được triển khai. Vào những năm đầu thế kỷ 21, Nhà nước Việt Nam đã đặt vấn đề giải quyết đói nghèo trong chiến lược phát triển bền vững, chính sách XÐGN được đặt trong chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và từng địa phương.
Hơn 20 năm qua, nhờ duy trì liên tục mức tăng trưởng kinh tế khá cao, đất nước đã tạo ra nguồn lực vật chất, tinh thần to lớn để đẩy mạnh công cuộc XÐGN, nâng cao đời sống cho nhân dân. Báo cáo của Chương trình phát triển của LHQ cho thấy: Tính theo chuẩn nghèo quốc tế, tỷ lệ người nghèo của Việt Nam liên tục giảm từ hơn 60% vào năm 1990, xuống 37% vào năm 1998, 18,1% vào năm 2004 và năm 2011 còn 14,5%. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trong 16 năm từ 1992 đến 2008, tổng nguồn vốn đầu tư cho giảm nghèo ở Việt Nam đạt hơn 260 tỷ USD. Từ một quốc gia bị chiến tranh tàn phá nặng nề, kinh tế xuất phát điểm thấp, thì vào năm 2009, Việt Nam đã được Ngân hàng Thế giới đưa vào nhóm nước có mức thu nhập trung bình (hơn 1.000 USD/người). Ðó cũng là cơ sở để LHQ có thể khẳng định Việt Nam là quốc gia thành công nhất thế giới trong XÐGN. Dù kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn chưa có nhiều tích lũy để phát triển, nhưng Việt Nam đã triển khai các chương trình XÐGN, tập trung cho các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Có thể nhắc tới một số chương trình giảm nghèo dài hạn như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn I và giai đoạn II; Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong giai đoạn 2009 - 2020...
Trong số đó, gây ấn tượng mạnh mẽ nhất với cộng đồng quốc tế là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi (còn gọi là Chương trình 135). Chương trình được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn I từ 1997 - 2006, và giai đoạn II từ 2006 - 2010. Trong giai đoạn I, gần 2.000 xã đặc biệt khó khăn và các xã biên giới được đầu tư để phát triển sản xuất, nâng cao mức sống cho các hộ dân tộc thiểu số, phát triển cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công cộng thiết yếu như điện, trường học, trạm y tế, nước sạch, nâng cao đời sống văn hóa. Ðồng thời, Nhà nước đầu tư nhiều chương trình, dự án khác, miễn giảm thuế, cung cấp miễn phí sách giáo khoa, báo chí, trợ giá một số nhu yếu phẩm... Trong 5 năm tiếp theo, giai đoạn II tập trung vào 1.946 xã và 3.149 thôn, buôn, làng, bản, xóm ấp đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II thuộc 45 tỉnh, thành. Giai đoạn này đã đạt được mục tiêu là tạo chuyển biến nhanh về sản xuất; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất gắn với thị trường; cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; giảm khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và giữa các vùng trong nước và xóa hộ đói, giảm hộ nghèo xuống còn dưới 30%.  
Theo Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội vào tháng 5-2012, mặc dù ngân sách còn khó khăn nhưng Nhà nước vẫn ưu tiên bố trí tăng thêm nguồn lực để thực hiện các chính sách xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia. Ðến hết năm 2011, cả nước có 57/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 16,8%... Các Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hoạt động tín dụng với lãi suất cho vay ưu đãi đến tận từng thôn, bản, khu dân cư ở vùng sâu, vùng xa. Học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo được hưởng các chế độ miễn, giảm học phí, được vay tín dụng sinh viên. Chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đều có sự ưu tiên cho người nghèo. Bên cạnh đó, quyền tiếp cận những dịch vụ cơ bản như nước sạch, chăm sóc sức khỏe, giáo dục ngày càng được củng cố vững chắc trong pháp luật, được cụ thể hóa bằng các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, Việt Nam áp dụng các chính sách bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho mọi người dân. Giám đốc UNDP tại Việt Nam, bà Setsuko Yamazaki bình luận: "Việt Nam đã đạt được sự chuyển biến ấn tượng về tuổi thọ trung bình, tăng từ 65,6 tuổi năm 1990 lên 75,2 tuổi năm 2011; tổng thu nhập quốc gia (GNI) bình quân đầu người tăng từ 855 USD lên 2.805 USD trong cùng giai đoạn". Khẳng định thành tựu của Việt Nam trong XÐGN, tháng 10-2010, Học viện phát triển nước ngoài (ODI) tuyên bố trước một hội nghị của LHQ rằng: "Việt Nam là một trong hai nước đi đầu trong việc giảm nghèo và cải thiện sức khỏe theo các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ".
Công cuộc XÐGN ở Việt Nam có sự hỗ trợ rất lớn của LHQ, các tổ chức quốc tế, các NGO, và của người Việt hiện đang sinh sống ở nước ngoài. Mỗi khi bão lũ, thiên tai, người nghèo và những người lâm vào hoàn cảnh khó khăn lại nhận được sự giúp đỡ chí tình của nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài.
Lịch sử thế giới cho thấy những quốc gia nào quan tâm đến đời sống người dân thì duy trì được sự ổn định, có điều kiện để phát triển. Mong muốn phát huy dân chủ hay hiện thực hóa quyền con người phụ thuộc không ít vào kết quả XÐGN, nâng cao chất lượng sống của người dân. Thực tế này càng làm rõ giá trị to lớn của các chính sách XÐGN của Nhà nước Việt Nam. Nhờ có các chính sách XÐGN nhất quán và sự kiên trì trong triển khai thực hiện, Việt Nam đã giữ được chính trị - xã hội ổn định, toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân luôn thống nhất trong một khối đoàn kết, cùng vượt qua khó khăn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ðó chính là bằng chứng thuyết phục nhất để chứng minh bản chất nhân văn và quan điểm "của dân, do dân và vì dân" của Nhà nước Việt Nam.

ANH KHÔI
(Báo Nhân Dân Online)

Ông Phil toan tính điều gì?


QĐND - Ngày 21-11, Tòa án nhân dân Tối cao mở phiên tòa phúc thẩm và đã tuyên y án sơ thẩm (6 năm tù) đối với Đinh Đăng Định về tội “tuyên truyền chống Nhà nước...” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự. Ngay sau khi phiên phúc thẩm kết thúc, ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Theo dõi nhân quyền ở Mỹ đã lên tiếng rằng “Việc truy tố như thế đã làm dấy lên những quan ngại cơ bản về ý định của Việt Nam đối với quyền tự do bày tỏ trên internet”. Trong một bản thông cáo tung lên một số trang web phản động ở nước ngoài, ông ta còn lộ rõ quan điểm bênh vực, che chắn cho Đinh Đăng Định.
Bị cáo Đinh Đăng Định
Hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam của Đinh Đăng Định là rất rõ ràng. Kết quả điều tra cho thấy, Đinh Đăng Định đã ngông cuồng soạn thảo, tán phát nhiều tài liệu chống đối các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; câu kết, móc nối với các phần tử, tổ chức phản động trong và ngoài nước để hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam. Núp dưới bí danh “Văn Nguyễn”, Định đã soạn thảo, phát tán nhiều tài liệu có nội dung phản động. Định đã liên lạc, câu kết với Nguyễn Trung Lĩnh (ở Hà Nội) để thành lập ra cái gọi là “Đảng tự do dân chủ ở Việt Nam”. Ngoài ra Định còn tham gia nhiều diễn đàn, trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí phản động của tổ chức khủng bố Việt Tân ở nước ngoài với nội dung chống đối Đảng, Nhà nước... Định đã sản xuất, tàng trữ và lưu hành nhiều tài liệu có nội dung nói xấu, xuyên tạc thân thế sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh; tạo điều kiện để các tổ chức phản động ở nước ngoài xuyên tạc, bóp méo sự thật chống phá Việt Nam. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trong máy tính của Định có chứa 19 bộ tài liệu, với 195 trang mang nhiều nội dung xuyên tạc thân thế, sự nghiệp của lãnh tụ, chống lại đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Những tài liệu đó đã được Định cấu kết với các phần tử phản động ngoài nước tung lên mạng...
Mọi sự rõ như ban ngày, thế nhưng trong con mắt của ông Robertson, Định chỉ là “nhà chính trị ôn hòa”, chỉ “thực hiện quyền tự do ngôn luận”, “bày tỏ quan điểm cá nhân”,… chứ không phạm tội “tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam”. Ông Robertson nói trong thông cáo rằng: “Lẽ ra ông không thể bị bắt bởi vì tất cả những gì ông làm là thực hiện quyền cơ bản tự do bày tỏ ý kiến…”. Phát biểu của ông Robertson cho thấy rõ cái nhìn thiển cận, phiến diện về Công ước quốc tế và luật pháp Việt Nam. Điều 19 Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền khẳng định: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm… và bày tỏ qua mọi phương tiện truyền thông”. Tuy nhiên, tại Điều 29 của chính văn bản này cũng khẳng định: “Trong việc hành xử nhân quyền và thụ hưởng tự do, mọi người phải chịu những hạn chế do luật định… nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về luân lý, trật tự công cộng và nền an sinh chung”. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki moon cũng chỉ rõ rằng: “Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí chỉ được bảo vệ khi nó được dùng vào các mục đích công lý và phục vụ cộng đồng”. Không chỉ ở Việt Nam mà mọi quốc gia trên thế giới đều tôn trọng quyền tự do dân chủ của công dân trong khuôn khổ luật pháp. Ví như Điều 18 Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức ghi rõ: “Ai lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là tự do báo chí, tự do tuyên truyền… làm công cụ chống lại trật tự của xã hội tự do dân chủ sẽ bị tước bỏ quyền công dân”... Rõ ràng hành vi của Định vừa trái với Công ước quốc tế, vừa vi phạm pháp luật Việt Nam. Cũng như nhiều nước khác trên thế giới, Việt Nam công nhận, bảo đảm việc thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Những hành vi lợi dụng các quyền này mà vi phạm pháp luật thì không chỉ Việt Nam mà bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều không thể chấp nhận.
Vậy tại sao ông Phil Robertson lại bảo vệ Đinh Đăng Định, ông ta đang toan tính điều gì? Dư luận chẳng lạ gì tâm địa của ông và cái gọi là tổ chức Theo dõi nhân quyền. Lâu nay, tổ chức này ở Mỹ và một số trang mạng có quan điểm chống Việt Nam ở nước ngoài thường lợi dụng những vụ việc tương tự để tuyên truyền xuyên tạc, gây sức ép đòi Việt Nam thay đổi Điều 88-Bộ luật Hình sự quy định về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Rõ ràng ông Phil Robertson đang đội lốt “theo dõi nhân quyền” để can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam.
KIM NGỌC
(Báo điện tử Quân Đội Nhân Dân)

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Đà Nẵng chặn gần 2.000 lượt tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền

Đó là thông tin được Đại tá Phạm Bá Sơn, Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng cho biết ngày 19/12 tại Đại hội Thi đua quyết thắng Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng lần thứ 5 (2009 – 2012).

Theo Đại tá Phạm Bá Sơn, trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, đặc biệt là tình hình biển Đông, BĐBP Đà Nẵng đã đổi mới nâng cao chất lượng công tác nắm, phân tích, dự báo tình hình; chủ động xây dựng các kế hoạch bảo vệ biên giới; tiến hành chặt chẽ, đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng; tổ chức lực lượng tăng cường tuần tra kiểm soát; phối hợp, hợp đồng chặt chẽ với các lực lượng để phát huy sức mạnh tổng hợp trong quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển.
Từ năm 2009 đến nay, BĐBP Đà Nẵng đã tổ chức xuất kích 1.054 lượt tàu với hải trình 120.631 hải lý làm nhiệm vụ bảo vệ tàu thăm dò dầu khí kết hợp tuần tra, kiểm soát, quản lý bảo vệ chủ quyền vùng biển. Qua đó đã xua đuổi, ngăn chặn 1.926 lượt tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển nước ta; phối hợp chặt chẽ với các địa phương huy động 107 lượt tàu cá/793 ngư dân trực tiếp tham gia đấu tranh chống hoạt động xâm phạm chủ quyền vùng biển.
“Trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Đà Nẵng luôn nắm vững quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, quân đội; kiên quyết, dũng cảm, mưu trí, khôn khéo xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống. Trong thực tiễn đã xuất hiện nhiều cách làm hay như tổ chức ký quy chế về công tác thông tin liên lạc giữa BĐBP với các tàu cá của ngư dân hoạt động trên biển; xây dựng bản mật danh báo tọa độ trên biển…” – Đại tá Phạm Bá Sơn nói.
Ông cũng cho biết, công tác quản lý cửa khẩu không ngừng được BĐBD Đà Nẵng đầu tư, đổi mới nội dung, thủ tục nhanh gọn, chính xác, tạo môi trường thông thoáng vừa bảo đảm an ninh, vừa phục vụ tốt chủ trương phát triển kinh tế đối ngoại và giao lưu quốc tế; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, đầu tư các trang thiết bị phục vụ tốt công tác cải cách thủ tục hành chính.
Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng tăng cường kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền nước ngoài đi vào vùng biển Việt Nam - Ảnh: HC

Hơn 4 năm qua, BĐBP TP đã làm thủ tục xuất nhập cảnh cho 5.594 lượt tàu với 273.785 thuyền viên, 235.754 lượt khách du lịch, 9.079.138 tấn hàng hóa; 21 lượt tàu quân sự với 2.134 thủy thủ đoàn. Đăng ký phương tiện thủy nội địa cho 12.395 lượt tàu/127.409 lượt thuyền viên, 9.745.600 tấn hàng hóa. Qua quản lý cửa khẩu đã xác minh, làm rõ 98 vụ với 181 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 57 vụ/143 đối tượng với số tiền hơn 184 triệu đồng.
Từ năm 2009 đến nay, BĐBP TP đã xác lập 15 chuyên án; phát hiện, bắt giữ, điều tra 465 vụ với 772 đối tượng; khởi tố 37 vụ án hình sự/42 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 343 vụ/606 đối tượng với số tiền 520 triệu đồng. Tang vật thu giữ gồm 661,957 gam và 56 tép hêrôin; 1.053 viên ma túy tổng hợp; 640 gam hàng đá; 458,578 gam và 83 gói cần sa, 2.400kg mì chính giả; 3.000kg quặng titan; 7.000 gói thuốc lá Jet; 1.600m3 dầu D.O; 25m3 gỗ, 56 xe máy, 65 điện thoại di động… Trên mặt trận đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên biển, BĐBP Đà Nẵng cũng phát hiện, bắt giữ 12 tàu với 21.138 tấn than trị giá hàng hóa gần 17 tỷ đồng.
Với những thành tích trong phong trào “Thi đua quyết thắng” 4 năm qua, BĐBP Đà Nẵng đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất; Hải đội 2 (thuộc BĐBP TP) được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVT trong thời kỳ đổi mới.
HẢI CHÂU (Infonet)

Từ 19.12, VNG ngừng vĩnh viễn game có "đường lưỡi bò"


Dân Việt - "Là một doanh nghiệp do người Việt Nam thành lập, VNG sẽ mạnh tay với các đối tác vi phạm nội dung liên quan đến văn hóa, chính trị và lãnh thổ Việt Nam” – Trưởng ban Truyền thông VNG cho biết.

Trò chơi Chinh Đồ phát hành phiên bản đầu tiên vào năm 2008 do nhà sản xuất Trung Quốc cung cấp. Từ đó tới nay, trò chơi này luôn được nâng cấp, cập nhật thường xuyên. Tuy nhiên, lần cập nhật mới nhất vào ngày 14.12 vừa qua, nhà cung cấp Trung Quốc tự động đưa vào bản đồ thể hiện vùng biển Đông gồm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam nhưng lại nằm trong hình “lưỡi bò” của Trung Quốc.
Do bản đồ này nằm sâu trong phần hướng dẫn nên VNG không phát hiện ra. Tuy nhiên, khi được người chơi phản ánh, VNG ngay lập tức cho ngừng trò chơi này và chấm dứt hợp tác với nhà sản xuất.
VNG ngừng vĩnh viễn game Chinh Đồ vì có "đường lưỡi bò"

VNG đã cầu thị
Ngày 19.12, trao đổi với , bà Đoàn Đỗ Ngọc Thi, Trưởng ban Truyền thông Công ty cổ phần VNG (gọi tắt VNG), cho biết kể từ hôm nay (19.12) VNG chính thức ngừng phát hành trò chơi game Chinh Đồ tại Việt Nam, đồng thời, chấm dứt hợp tác với nhà sản xuất Trung Quốc và bồi thường thiệt hại cho người chơi.
“Dù việc đóng cửa trò chơi Chinh Đồ sẽ gây thiệt hại rất lớn cho VNG, nhưng là một doanh nghiệp do người Việt Nam thành lập, VNG sẽ mạnh tay với các đối tác vi phạm nội dung liên quan đến văn hóa, chính trị và lãnh thổ Việt Nam” – bà Thi nhấn mạnh.
Lý do mà VNG đưa ra là đơn vị sản xuất game Chinh Đồ đã đưa mẫu thiết kế là bản đồ mới của trò chơi xuất hiện những nội dung có liên quan đến vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam vào phiên bản cập nhật ngày 14.12 vừa qua. Đây là nội dung cập nhật không đúng với những cam kết cũng như yêu cầu của VNG.
Do đó, VNG kiên quyết không thỏa hiệp và không chấp nhận bất kỳ động thái nào làm ảnh hưởng đến văn hóa, pháp luật, con người và đặc biệt là tinh thần dân tộc Việt Nam.
Bà Thi cho biết thêm, trước khi quyết định đưa một trò chơi về Việt Nam, VNG có nhiều bộ phận kiểm duyệt cẩn thận các nội dung, hình ảnh, thiết kế trong game để phù hợp thị hiếu, văn hóa, đạo đức của người Việt. Trong quá trình vận hành, đội ngũ nhân viên vẫn làm việc thường xuyên để kiểm soát các vấn đề phát sinh như lỗi, sai thiết kế ban đầu.
“Tuy nhiên, VNG vẫn có sai sót khi không kịp thời nhận ra sự thay đổi này. Khi được khách hàng thông báo, ngay lập tức VNG đã nhanh chóng gỡ bỏ những thiết kế ấy. Để thể hiện rõ tinh thần cầu thị và quyết tâm bảo vệ chủ quyền, dù trong một trò chơi trực tuyến, VNG đã quyết định dừng vĩnh viễn trò chơi Chinh Đồ hai phiên bản 1.0 và 2.0” – bà Thi nói.

VNG xin lỗi khách hàng
Cạnh đó, đại diện VNG cũng gửi lời xin lỗi đến người chơi, quý khách hàng và cộng đồng vì những sai sót mà VNG gặp phải trong quá trình vận hành trò chơi Chinh Đồ.
“VNG rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu, cũng như tiếp tục nhận được sự ủng hộ của người chơi và cộng đồng dành cho các sản phẩm của VNG” – bà Thi chân thành.
Được thành lập vào tháng 9.2004, khởi điểm từ công ty Vinagame chuyên cung cấp dịch vụ Game Online. Tháng 8.2011, Công ty Vinagame đã chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần VNG.
VNG đã trở thành một công ty tập trung phát triển công nghệ nội dung số trên nền tảng internet hàng đầu Việt Nam và hướng đến thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, VNG còn là doanh nghiệp phát triển và vận hành cổng thông tin giải trí Zing đứng đầu Việt Nam về lượng truy cập.
Bà Thi cho biết, bằng những nghiên cứu không mệt mỏi của nhiều đội ngũ nhân sự trẻ, năng động và đầy nhiệt huyết, VNG đang từng bước khẳng định vị trí dẫn đầu trong ngành nội dung số và CNTT tại Việt Nam với định hướng nhất quán nhằm “Phát triển Internet để thay đổi cuộc sống người Việt Nam”.

Giấy phép lái xe mới nhiều “sạn”



Mẫu giấy phép lái xe mới dự kiến được Bộ GTVT triển khai cấp trên phạm vi cả nước từ đầu năm 2013 có nhiều sai sót trong việc in song ngữ Việt – Anh.
Ông Lê Văn Thịnh, Trưởng Phòng Giám định 1 – Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), vừa có văn bản gửi Bộ Tư pháp đề nghị xem xét lại các quy định liên quan đến đề án cấp giấy phép lái xe (GPLX) mới do Bộ GTVT thực hiện. Theo ông Thịnh, GPLX mới có quá nhiều “sạn” trong việc chuyển ngữ từ tiếng Việt sang tiếng Anh, không giống với nhiều nước đang làm.
Ủy quyền sai
Theo ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện người lái – Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT), đề án cấp GPLX mới đã được xây dựng từ rất nhiều năm trước. Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ 1 triệu USD để trang bị hệ thống máy chủ và máy in đặt tại tổng cục; Bộ GTVT trang bị thêm phần mềm quản lý thông tin khoảng 7 tỉ đồng.
Mẫu giấy phép lái xe mới có nhiều "sạn"

Ngoài ra, tùy vào điều kiện tình hình địa phương, các sở GTVT sẽ trang bị hệ thống máy móc in ấn GPLX mới. CSGT khi tuần tra trên đường nếu phát hiện nghi ngờ về GPLX giả có thể nhắn tin, gọi điện về tổng đài trung tâm dữ liệu GPLX đặt tại Tổng cục Đường bộ là có thể kiểm tra được.
Mặc dù là người “ngoại đạo” nhưng bằng hiểu biết và kinh nghiệm của mình, ông Thịnh đã chỉ ra hàng loạt bất hợp lý, sai sót trong GPLX mới. “Ngay từ khi Bộ GTVT ban hành mẫu và thực hiện thí điểm việc cấp, đổi GPLX mới tại Đà Nẵng và Bắc Ninh, tôi đã có ý kiến nhưng không được tiếp thu”- ông Thịnh nói. Chẳng hạn, trên góc trái GPLX ghi “Bộ GTVT” nhưng người cấp lại là giám đốc hoặc phó giám đốc Sở GTVT.
Trả lời ông Thịnh, Bộ GTVT cho rằng mình là cơ quan ban hành mẫu GPLX để sử dụng thống nhất trên cả nước. Hơn nữa, cách ghi này đã có và duy trì từ thời Bộ Nội vụ. “Theo tôi, cách giải thích này là chưa hiểu đúng về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ tại giai đoạn ban hành mẫu GPLX”- ông Thịnh nhận định.
Ông Thịnh dẫn chứng: Tháng 6-1975, Quốc hội quyết định hợp nhất Bộ Công an và Bộ Nội vụ, lấy tên là Bộ Nội vụ. Là một bộ mới nhưng Bộ Nội vụ chỉ làm nhiệm vụ cảnh sát, an ninh quốc gia và PCCC. Trong cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ lúc đó có Cục CSGT – Trật tự. Bộ Nội vụ lúc này có thẩm quyền cấp GPLX nên trên góc trái mới in “Bộ Nội vụ” và người cấp đều là cục trưởng hoặc phó cục trưởng, cùng lắm là ủy quyền cho trưởng phòng CSGT – trật tự cấp dưới.
Nửa Tây, nửa ta
“Tôi đã nghiên cứu rất kỹ, thấy rằng trong GPLX mới có nhiều “sạn” về việc dịch tiếng Anh. Quốc hiệu nước ta ở trong GPLX mới không được dịch sang tiếng Anh. Điều này khiến GPLX nửa “Tây” nửa “ta”, chỗ dịch, chỗ không khiến người nước ngoài không hiểu được đầy đủ về tên nước Việt Nam” – ông Thịnh nói. Ông cho rằng tên nước phải dịch ra tiếng Anh và có thể thay thế dòng chữ “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” bằng The Socialist Republic Of Vietnam như trong bằng tốt nghiệp đại học của Bộ GD-ĐT thực hiện.
Hơn nữa, theo ông Thịnh, GPLX mới dịch “Giấy phép lái xe” thành Driver’s License là không chuẩn xác. “Tôi đã phản hồi cho họ biết rằng GPLX ở Anh, Mỹ – những nước có tiếng mẹ đẻ là tiếng Anh – đều thường dùng chữ Driving License – như mẫu Bộ GTVT từng có và phù hợp với phụ lục 30 tại Thông tư 07/2009 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX của Bộ GTVT” – ông Thịnh dẫn chứng.
Trong mục Nơi cư trú, lẽ ra phải được chuyển ngữ sang tiếng Anh là Place Of Residence thì Bộ GTVT lại chọn ghi là Address có nghĩa là Địa chỉ. Từ Có giá trị đến thì tiếng Anh lẽ ra phải là Valid To Date hoặc Date Of Expiry chứ không thể dùng là Expires tương đương với từ Hết hạn. Ngoài ra, mục Chữ ký và dấu trên GPLX được dịch là Signed, Seaied cũng không phù hợp, bởi sẽ được hiểu nghĩa là Đã được ký và đóng dấu. Ông Thịnh cho rằng từ chính xác phải là  Signature, Seal…
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 18-12, ông Nguyễn Thắng Quân cho rằng ông Lê Văn Thịnh “bắt bẻ” câu chữ. “Chúng tôi áp dụng dịch theo tiếng Anh – Mỹ. Còn việc Quốc hiệu nước ta không được dịch ra tiếng Anh là bởi không đủ chỗ” – ông Quân giải thích.
Thế Kha (NLD)

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Bảo đảm quyền con người thuộc bản chất của chế độ ta


QĐND - Là chế độ tôn trọng con người, trước khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc (ngày 20 tháng 9 năm 1977), Việt Nam đã tự nguyện gia nhập nhiều công ước về Luật Nhân đạo quốc tế, (về nội dung cũng mang tính nhân quyền) như “Công ước Giơ-ne-vơ về bảo vệ thường dân trong chiến tranh” (gia nhập năm 1957), “Công ước Giơ-ne-vơ về đối xử với tù nhân trong chiến tranh” (gia nhập năm 1957)…
Trước thời kỳ đổi mới, vào năm 1982, Việt Nam đã gia nhập hai Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, đó là “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị" và “Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa” (cùng được phê chuẩn năm 1966) (theo "Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người”, Viện nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. HN. 2002, tr249, 284).
Nhằm bảo đảm quyền của người dân đồng thời phát triển xã hội, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng việc xây dựng các thể chế quốc gia phù hợp với đặc thù lịch sử, văn hóa dân tộc. Trong đó có nguyên tắc các cơ quan tư pháp hoạt động độc lập. Đồng thời, Nhà nước có cơ chế chính sách tạo điều kiện để người dân tham gia quản lý Nhà nước và xã hội. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội ngày càng được nâng cao. Văn kiện Đại hội XI, năm 2011, tái khẳng định vai trò giám sát và phản biện xã hội của các tổ chức trên. Trong nhiều nhiệm kỳ qua, vai trò của Quốc hội ngày càng được nâng cao. Trong các kỳ họp, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ phải trả lời chất vấn công khai, được truyền hình trực tiếp những vấn đề cử tri và các đại biểu quan tâm.
Việt Nam luôn coi trọng việc đảm bảo các quyền con người
Quyền làm chủ trực tiếp của người dân cũng được Đảng và Nhà nước quan tâm. Từ một Chỉ thị của Đảng (Chỉ thị Số 30-CT/TW, ngày 18-2-1998 về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở), với nhiều yêu cầu, đặc biệt là: Quy định quyền của mọi người dân ở cơ sở được thông tin về pháp luật, các chủ trương, chính sách của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống và lợi ích hằng ngày của nhân dân tại cơ sở, Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh bảo đảm quyền được biết, được bàn, được kiểm tra và quyết định những vấn đề kinh tế, xã hội của người dân ở cơ sở. Đây là cơ sở chính trị, pháp lý của phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Quyền tự do ngôn luận, báo chí và thông tin được bảo đảm ngày càng tốt hơn. Ngoài Luật Báo chí, Nhà nước đã ban hành các quy định cơ quan Chính phủ có trách nhiệm định kỳ và khi cần cung cấp thông tin cho báo chí. Các cơ quan truyền thông của Việt Nam phát triển nhanh chóng. Cho đến nay, cả nước có hơn 700 cơ quan báo chí; 68 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và tỉnh, thành phố, hơn 80 báo điện tử, hàng nghìn trang tin điện tử và blog… Người dân Việt Nam ngày nay còn được tiếp cận với nhiều hãng thông tấn, báo chí, các kênh truyền hình nước ngoài như Roi-tơ, BBC, VOA, AP, AFP, CNN… Tốc độ phát triển internet ở Việt Nam được xếp hạng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Trên lĩnh vực quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam là: “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và trong từng chính sách phát triển… tiếp tục hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội… giúp đỡ mọi thành viên xã hội, nhất là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương…”. Để bảo đảm hành lang pháp lý cho các hoạt động của cơ quan Nhà nước và công dân, nhiều Bộ luật, luật sửa đổi và luật mới được ban hành dựa trên các nguyên tắc: Tôn trọng con người, quyền con người; Dân chủ XHCN; Nhà nước pháp quyền XHCN và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm Quốc gia, Việt Nam đã nội luật hóa các công ước quốc tế mà mình đã tham gia. Có thể dẫn ra những luật sau: Luật Bảo vệ sức khỏe người dân năm 1989, Luật Giáo dục năm 1998, Luật Đất đai năm 2003, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, Luật Bình đẳng giới năm 2011...
Trên cơ sở đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, các Chiến lược và Chương trình phát triển kinh tế-xã hội được triển khai, mức sống của người dân đã có những thay đổi đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người vào năm 1990 khoảng 200USD, đến năm 2010 ước khoảng 1.200USD. Đến nay, Việt Nam đã thoát khỏi nhóm nước có thu nhập thấp, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình.
Nhằm bảo đảm quyền bình đẳng trong việc hưởng thụ thành tựu phát triển, Nhà nước đã có nhiều chương trình kinh tế-xã hội hướng vào nâng cao đời sống của người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Báo cáo của Ủy ban Dân tộc, thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2 (2006-2010), ngân sách Trung ương đầu tư lên tới 15.000 tỷ đồng, trong đó các tổ chức quốc tế hỗ trợ 350 triệu USD. Từ nguồn vốn trên, Chương trình đã xây dựng được gần 13.000 công trình hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong cả nước, Chính phủ đã có nhiều biện pháp cụ thể. Với kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ của doanh nghiệp, Quỹ vì người nghèo các địa phương… đến hết năm 2010, các huyện đã cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm tại 62 huyện nghèo với 73.418 căn nhà, đạt 94,58% kế hoạch. Hiện nay, chương trình nhà ở xã hội của Chính phủ đang được triển khai tích cực ở nhiều địa phương nhằm trợ giúp cho công nhân, người thu nhập thấp và sinh viên.
Các quyền tự do cơ bản của con người là mục tiêu lớn, mục tiêu đó như đường chân trời, người ta càng đi đến thì chân trời càng lùi xa. Đơn giản vì nhu cầu về vật chất và tinh thần của con người ngày càng cao, là không có giới hạn.
Không phủ nhận rằng, hiện nay Việt Nam đang phải đối diện với không ít những vấn đề về kinh tế, xã hội liên quan đến quyền con người, như: Thể chế phân công phối hợp có sự giám sát về quyền lực chưa có hiệu quả như nhiều đại biểu Quốc hội vừa qua đã phát biểu; sự phân hóa giàu nghèo có khuynh hướng gia tăng, thậm chí ngay cả trong Đảng, như đồng chí Tổng bí thư đã nói; hoặc sự hình thành “lợi ích nhóm” trong thời gian qua là những ví dụ…
Tuy nhiên, với việc nhận thức đúng đắn hơn, đầy đủ hơn về CNXH và con đường đi lên CNXH, với truyền thống cách mạng, sáng tạo, gắn bó với nhân dân, chúng ta tin tưởng rằng, Đảng ta sẽ hoàn thành được sứ mệnh lịch sử mà dân tộc đã giao phó - xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. 
PHƯƠNG ANH
(Báo Điện Tử Quân Đội Nhân Dân)

Không thể xuyên tạc về quyền của dân trong xây dựng Hiến pháp


QĐND - Với 100% số đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội khóa XIII vừa thông qua Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nghị quyết đã nhấn mạnh việc lấy ý kiến nhân dân nhằm mục đích phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân và tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc xây dựng Hiến pháp để Hiến pháp thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Thế nhưng trên một số diễn đàn vẫn còn có những tiếng nói lạc lõng cho rằng “việc lấy ý kiến nhân dân chỉ là hình thức” và “Đảng Cộng sản Việt Nam đã độc đoán sửa đổi Hiến pháp”…
Tờ trình của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đóng góp dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định: Sửa đổi Hiến pháp là công việc hệ trọng của quốc gia. Nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp. Mục đích của lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm phát huy quyền làm chủ và tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc xây dựng Hiến pháp để Hiến pháp thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân; Huy động được trí tuệ, tâm huyết của nhân dân tham gia tích cực vào xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với Hiến pháp và việc thi hành Hiến pháp.
Nội dung lấy ý kiến nhân dân là toàn bộ nội dung của dự thảo sửa đổi Hiến pháp, bao gồm: Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; tổ chức bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.
Việc lấy ý kiến nhân dân được thực hiện thông qua nhiều hình thức như góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức phù hợp khác.
Theo kế hoạch ban đầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, dự kiến thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là hai tháng (tháng 3 và tháng 4 năm 2013). Tuy nhiên, do mục đích, yêu cầu và nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, để có đủ thời gian triển khai sâu rộng việc lấy ý kiến trong các tầng lớp nhân dân, bảo đảm để việc lấy ý kiến nhân dân thực sự chất lượng, hiệu quả, tránh hình thức, tại kỳ họp thứ 4 vừa qua, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã đề nghị Quốc hội và được Quốc hội nhất trí cao cho phép tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong thời gian 3 tháng, bắt đầu từ ngày 2 tháng 1 năm 2013 và kết thúc vào ngày 31 tháng 3 năm 2013.
Trước đó, tại Hội nghị lần thứ hai, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa XI) đã thảo luận, thống nhất cao về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, các định hướng lớn, phương châm và phương pháp tiến hành; xác định việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Thông báo của Hội nghị khẳng định: “Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc hệ trọng cần được tiến hành chặt chẽ, khoa học, dưới sự lãnh đạo của Đảng; động viên sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân”.
Như vậy, cả Đảng Cộng sản Việt Nam và Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều đánh giá cao vai trò đặc biệt quan trọng của nhân dân trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Thực tế trong lịch sử lập hiến của nước ta, việc xây dựng, ban hành Hiến pháp năm 1959, năm 1980, năm 1992 và sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 (vào năm 2001) đều tiến hành tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Các ý kiến tâm huyết của nhân dân đều được Ban soạn thảo tiếp thu, đưa vào dự thảo.
Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 được kế thừa kinh nghiệm xây dựng các bản Hiến pháp trước đây, trong đó có kinh nghiệm quan trọng nhất là phải phát huy đầy đủ và sâu sắc dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tờ trình của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội cho rằng: “Để việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp bảo đảm chất lượng, hiệu quả, thực sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý quan trọng, rộng lớn trong nhân dân và cả hệ thống chính trị, Ủy ban đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”.
Thực tế đã rõ ràng như vậy mà vẫn còn có ý kiến lạc lõng trên một số diễn đàn cho rằng, “việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là độc quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam”, “Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm thay công việc của Quốc hội”…
Ai cũng biết rằng, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là một việc làm bình thường, đúng pháp luật, phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới của đất nước. Thực tiễn cho thấy, nước ta đã trải qua 4 lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và cả 4 lần đều thu được kết quả tốt đẹp góp phần đưa đất nước tiến lên theo đúng mục tiêu đặt ra là nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đóng góp dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định: Tổ chức lấy ý kiến nhân dân với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân cả ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào việc xây dựng Hiến pháp. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm. Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác; phải được nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc để hoàn thiện, nâng cao chất lượng dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp ý kiến; phản ánh trung thực, kịp thời ý kiến tham gia của nhân dân.
Việc sửa đổi bổ sung Hiến pháp là công việc nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nhân dân Việt Nam, Hiến pháp và các văn bản pháp luật của Việt Nam luôn tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và biên giới quốc gia của các nước, tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc, không can thiệp vào công việc nội bộ các nước, đồng thời góp phần xây dựng và bảo vệ nền hòa bình của khu vực và thế giới.
Nhân dân Việt Nam hiểu và tôn trọng những thành quả mà Đảng, Bác Hồ và toàn thể nhân dân đã giành được từ trong khổ đau lầm than và nô lệ. Chúng ta quyết không chấp nhận những kẻ cố tình quay lưng lại với con đường cách mạng Việt Nam, cố tình xuyên tạc, nói xấu và đi ngược lại lợi ích của dân tộc và của nhân dân Việt Nam trong tiến trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị để việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Hiến pháp mới không bị lợi dụng, xuyên tạc, cần có quy định cấm về hành vi xuyên tạc, bôi xấu trong việc lấy ý kiến. Mọi ý kiến của nhân dân phải được tiếp thu tối đa, chỗ nào tiếp thu cần nói rõ, chỗ nào không tiếp thu cũng cần giải thích rõ để nhân dân hiểu.
ĐỖ PHÚ THỌ
(Báo Điện Tử Quân Đội Nhân Dân)

Phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

QĐND – Ngày 12-12, trong không khí cả nước đang ra sức thi đua lập nhiều thành tích kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và dân tộc, Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh toàn quốc lần thứ X được khai mạc trọng thể tại thủ đô Hà Nội. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của tuổi trẻ Việt Nam. Đại hội đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh toàn quốc lần thứ IX; thảo luận, đề ra mục tiêu, phương hướng công tác đoàn (CTĐ) và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ 2012-2017; xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh, tăng cường bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, giáo dục đạo đức, lối sống, cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, thi đua học tập, rèn luyện, lao động sáng tạo, xung kích, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Nhìn lại nhiệm kỳ qua, CTĐ và phong trào thanh thiếu nhi đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, trên đà phát triển chung của cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Công tác giáo dục, xây dựng bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho thanh niên được các cấp bộ đoàn triển khai với nhiều hình thức, biện pháp mang lại hiệu quả rõ rệt. Đặc biệt, Cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác” và phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc” được thực hiện sáng tạo và đạt hiệu quả; trở thành nội dung xuyên suốt trong công tác giáo dục của các cấp bộ đoàn nhiệm kỳ qua. Với hơn 3000 công trình thanh niên ở cấp tỉnh được hoàn thành mang lại giá trị kinh tế cho đất nước với hơn 5.400 tỷ đồng; hơn 20.000 công trình thanh niên cấp huyện, với tổng trị giá hơn 1.650 tỷ đồng, cùng hơn 3.400.000 công trình thanh niên cấp cơ sở, với tổng trị giá gần 3000 tỷ đồng là những minh chứng cụ thể thể hiện vai trò xung kích của tuổi trẻ tham gia phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Tuổi trẻ cả nước cũng hăng hái, tích cực xung kích, tình nguyện tham gia các hoạt động vì cuộc sống cộng đồng; các phong trào, chương trình hướng về Trường Sa, về biên giới, hải đảo; chăm lo cho gia đình chính sách, tham gia xóa đói, giảm nghèo… thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia.
Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế, CTĐ và phong trào thanh thiếu nhi trong nhiệm kỳ qua vẫn bộc lộ những hạn chế, yếu kém nhất định. Đáng chú ý là một số nội dung công tác giáo dục, nhất là giáo dục truyền thống của tổ chức đoàn chưa cụ thể, thiếu phù hợp với đối tượng thanh thiếu niên; phương pháp giáo dục tuy có sự đổi mới, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Việc nắm bắt tư tưởng, tâm trạng, thái độ của thanh thiếu niên nhiều nơi, nhiều lúc thiếu tính kịp thời. Hoạt động xây dựng tổ chức đoàn và phong trào thanh niên vẫn còn hình thức, thiếu hiệu quả… 
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém nêu trên, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định bắt nguồn từ những hạn chế, yếu kém của một bộ phận đội ngũ cán bộ đoàn. Một số bất cập trong CTĐ, nhất là về mô hình tổ chức hoạt động của các cấp bộ đoàn tuy đã được chỉ ra nhưng chậm nghiên cứu, giải quyết.
Nhìn thẳng vào thực tế để thấy rõ những đòi hỏi khách quan đối với tổ chức đoàn các cấp trong nhiệm kỳ tới. Trong bối cảnh hiện nay, các cấp bộ đoàn cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục, nhằm góp phần xây dựng lớp thanh niên Việt Nam giàu lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; có bản lĩnh chính trị, ý thức chấp hành pháp luật; có đạo đức cách mạng và lối sống đẹp; có ước mơ, hoài bão, khát vọng đưa đất nước vươn lên; có tri thức, sức khỏe, kỹ năng xã hội, năng lực chuyên môn, làm chủ khoa học công nghệ hiện đại; phát huy vai trò xung kích của thanh niên thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH-HĐH đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Để hoàn thành sứ mệnh và nhiệm vụ cao cả, nhưng cũng hết sức nặng nề đó, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ đoàn nói riêng, các cấp bộ đoàn nói chung trong triển khai thực hiện chương trình, nội dung được thảo luận và quyết nghị tại đại hội lần này. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ đoàn và các cấp bộ đoàn phải thấy rõ trách nhiệm chính trị, cũng như vai trò của tuổi trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giáo dục động cơ, xác định rõ trách nhiệm là điều kiện tiên quyết để tổ chức đoàn phát huy tốt vai trò xung kích của tuổi trẻ đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Cùng với đó, phải tổ chức thật tốt các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, triển khai từng bước vững chắc ở từng cấp, từng địa phương; chăm lo, hỗ trợ, đồng hành với thanh niên. Tập trung củng cố xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh hướng vào 3 tiêu chí: Chất lượng cơ sở, chất lượng đội ngũ cán bộ đoàn và mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên.
Thanh niên quân đội là bộ phận ưu tú của thanh niên Việt Nam. Gắn liền với lịch sử 68 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, thanh niên quân đội luôn kế tục và phát huy bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, hăng hái học tập, huấn luyện, công tác, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, gắn bó máu thịt với nhân dân, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đoàn kết phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất; cùng thanh niên cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, trở thành nòng cốt và có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

QĐND

Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

Góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992: Cần cảnh giác với những âm mưu đen tối

Những ngày gần đây, Quốc hội Việt Nam đang thảo luận và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân về việc sửa đổi Hiến pháp 1992 để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đất nước trong tình hình mới. Có thể nói việc Nhà nước ta tiến hành lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân để nhân dân đóng góp những ý kiến tâm huyết với Đảng, Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn, đồng thời nó cũng thể hiện được tính dân chủ trong hoạt động lập pháp của Nhà nước. Sửa đổi Hiến pháp là cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại những mặt đã làm được và những mặt còn hạn chế trong quá trình xây dựng và thực hiện Hiến pháp. Bên cạnh đó, đây cũng là điều kiện để Nhà nước ta hoàn thiện hệ thống chính trị, pháp luật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế.


Quá trình lấy ý kiến, chúng ta đã nhận được nhiều góp ý thẳng thắn, tâm huyết của đông đảo nhân dân, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến tâm huyết đã có không ít những cá nhân, tổ chức lợi dụng việc đóng góp ý kiến về việc sửa đổi Hiến pháp để lồng ghép những nội dung chống Đảng, Nhà nước, những nội dung đi ngược lại với lợi ích của đất nước, dân tộc và nhân dân ta. Không ít người đã lợi dụng việc góp ý sửa đổi Hiến pháp để gửi đến Quốc hội, Chính phủ, đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta những “ý kiến” dưới dạng “thư ngỏ”, “góp ý với Đảng, Nhà nước”… Thậm chí còn có những ý kiến đăng tải công khai trên mạng internet, trên các chương trình, trang web của các cá nhân, tổ chức nước ngoài “đề nghị” với Đảng, Nhà nước ta về việc sửa đổi Hiến pháp 1992. Những “thư ngỏ”, “góp ý” này tập trung vào nhiều nội dung của Hiến pháp. Trong đó, có những  ý kiến “góp ý” đã đề cập rằng, để đất nước phát triển, trong Hiến pháp mới cần phải bỏ quy định về việc Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội, tức là xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp 1992, chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Có như vậy, đất nước mới có dân chủ và mới có thể phát triển được.
Chúng ta thấy rằng, lịch sử cách mạng nước ta đã chứng minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta, dân tộc ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đất nước thoát khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, giành được độc lập, tự do và đi lên phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta đang từng ngày phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, vị thế của nước ta ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Chính vì vậy, việc Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội là sự lựa chọn của lịch sử, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện và thực tế lịch sử Việt Nam.
Vậy mà có những ý kiến cho rằng, sửa đổi Hiến pháp cần phải xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp 1992, chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Liệu đây có phải là những ý kiến đóng góp tâm huyết, chân thành với Nhà nước và nhân dân hay không hay vì những động cơ, mục đích khác. Những ý kiến này có phải xuất phát từ lợi ích của dân tộc, của đất nước và nhân dân hay đằng sau nó là những ý đồ thâm độc của những phần tử xấu, cơ hội nhằm đạt được mục đích cá nhân của mình. Và có lẽ câu trả lời nằm chính trong sâu thẳm trái tim, tâm hồn của những con người này.
Bởi vậy, để sửa đổi Hiến pháp thành công chúng ta cần những lời góp ý tâm huyết, thẳng thắn và chân thành!
                                                                                    Người con đất Việt