Thời gian gần đây tình hình Biển Đông đang có những diễn biến hết sức phức tạp, chủ yếu liên quan đến việc tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là giữa Trung Quốc với Philippin và giữa Trung Quốc với Việt Nam. Vấn đề Biển Đông càng căng thẳng hơn sau sự kiện tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Bình Minh và tàu Wiking II của Tập đoàn dầu khí Việt Nam; việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố thiết lập Bộ chỉ huy quân sự và Hội đồng đại biểu nhân dân “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa; đưa 23 ngàn tàu đánh cá với gần 100 ngàn ngư dân rầm rộ đến đánh bắt hải sản tại vùng biển quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và đặc biệt trong tháng 11/2012 Trung Quốc đã cấp hộ chiếu phổ thông điện tử cho công dân của nước này, trong đó có in hình bản đồ Trung Quốc bao gồm đường đứt đoạn (hộ chiếu “đường
lưỡi bò”)…
Những việc làm trên của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông. Đồng thời bị dư luận quốc tế và trong nước lên án mạnh mẽ. Điều này cũng thể hiện thái độ ngang ngược của Trung Quốc với âm mưu quốc tế hóa vấn đề Biển Đông nhằm thực hiện âm mưu thôn tính Biển Đông.
Trước các hành động gây hấn của Trung Quốc, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách cứng rắn để bảo vệ chủ quyền của mình như gửi công hàm phản đối các hành động của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ những việc làm sai trái; tiến hành các cuộc gặp song phương và đa phương, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề Biển Đông… đặc biệt, trong bất cứ hoàn cảnh nào Đảng, Nhà nước ta luôn tuyên bố quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chúng ta có đầy đủ bằng chứng pháp lý về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thế nhưng, thời gian qua, lợi dụng những vấn đề phức tạp này nhiều đối tượng xấu trong và ngoài nước ta ra sức tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với vấn đề Biển Đông, cho rằng Đảng, Nhà nước ta nhu nhược, không giám thể hiện chính kiến và không giám bảo vệ chủ quyền của mình. Thậm chí, nhiều đối tượng, nhất là những đối tượng xấu ở trong nước còn ra sức tuyên truyền kích động, lôi kéo các tầng lớp nhân dân biểu tình phản đối Trung Quốc nhằm thể hiện “lòng yêu nước” nhưng thực chất là lợi dụng vấn đề này để chống Đảng, Nhà nước ta, tập dượt cho các hoạt động chống phá.
Chúng ta thấy rằng, giải quyết vấn đề Biển Đông là vấn đề hệ trọng, liên quan đến vấn để chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Do đó, để giải quyết tốt vấn đề này không phải là vấn đề một sớm một chiều, ngày một ngày hai mà cần phải có chiến lược tổng thể, dài hạn và hết sức khôn khéo. Giải quyết vấn đề Biển Đông cần phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và các thỏa thuận và cam kết đã có như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố về Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN và mới đây là Tuyên bố chung Cấp cao Kỷ niệm 10 năm DOC.
Chính vì vậy, những lời lẽ tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với vấn đề Biển Đông và giải quyết căng thẳng trên Biển Đông mà các phần tử xấu rêu rao thời gian qua thực chất là những hành động đi ngược lại với lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia, làm giảm uy tín của Đảng, Nhà nước ta đối với nhân dân và thế giới. Do đó, chúng ta cần phải cảnh giác trước các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc trên, đồng thời lên án mạnh mẽ những hành vi sai trái đi ngược lại với lợi ích của dân tộc này.
Giải quyết vấn đề Biển Đông không nên có một cái nhìn phiến diện, một chiều mà cần có một cái nhìn toàn diện, sâu sắc!
Người con đất Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét