Chuyên cung cấp Đèn sưởi nhà tam giá ưu đãi tốt nhất thị trường.

Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Những kỷ lục về biển đảo Việt Nam


Năm 2012, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã chính thức công bố 9 kỷ lục Việt Nam trong lĩnh vực biển và hải đảo. Nhằm giúp kiều bào ta ở nước ngoài hiểu và tự hào hơn về đất nước, về biển đảo Việt Nam, Quê Hương xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

1. Bãi biển Trà Cổ - Bãi biển dài nhất
Bãi biển Trà Cổ thuộc tỉnh Quảng Ninh nằm ở cực Đông Bắc của Tổ quốc, nơi giáp ranh giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nằm cách trung tâm thành phố Móng Cái 9 km đường bộ, Trà Cổ là rìa bên ngoài của một đảo bồi tự nhiên do tác động của sóng và dòng biển ven bờ tạo thành, nên cảnh quan biển nơi đây rất nên thơ và hấp dẫn.


Bãi biển Trà cổ kéo dài từ Sa Vĩ đến Mũi Ngọc

Bãi biển Trà cổ kéo dài từ Sa Vĩ đến Mũi Ngọc

Bãi biển Trà Cổ là bãi biển dài nhất Việt Nam với chiều dài 17 km, diện tích khoảng 170 hecta cong hình vành khuyên, trải từ Mũi Gót phía Bắc đến Mũi Ngọc ở phía Nam. Bên cạnh đó, Trà Cổ còn là bãi biển đầu tiên trên bản đồ đất nước, gần biên giới nhất, có nhiều địa danh du lịch nhất, nguyên sơ nhất, lãng mạn nhất... Cát ở đây mịn và chặt, khi nước thủy triều rút xuống, bãi cát phẳng, mịn chắc và mượt. Bãi biển thoai thoải, nước biển trong xanh, sạch sẽ, được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam.
2. Vịnh Hạ Long - Vịnh có nhiều đảo nhỏ nhất
Vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh, nằm ở bờ tây Vịnh Bắc Bộ, diện tích 1.553 km2, gồm 1.969 hòn đảo lớn, nhỏ, trong đó 95% là các đảo đá vôi. Vịnh Hạ Long là nơi tập trung đa dạng sinh học cao với những hệ sinh thái điển hình như hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái rừng cây nhiệt đới... cùng với hàng ngàn loài động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng.


Vịnh Hạ Long - Một trong những Kỳ quan Thế Giới

Vịnh Hạ Long - Một trong những Kỳ quan Thế Giới

Năm 1994, UNESCO đã chính thức công nhận Vịnh Hạ Long là Di sản Thiên nhiên thế giới. Đến năm 2000, Vịnh Hạ Long tiếp tục được UNESCO công nhận lần thứ hai là Di sản thế giới về các giá trị địa chất, địa mạo và lịch sử văn hóa. Năm 2012, Vịnh Hạ Long vượt qua 440 địa danh trên khắp hành tinh trở thành 1 trong 7 địa danh nhận được lượng phiếu bầu chọn cao nhất tại cuộc bầu chọn 7 Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới do New Open World tổ chức.
3. Tam Giang - Cầu Hai - Đầm phá lớn nhất
Tam Giang - Cầu Hai (thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế) là hệ đầm phá lớn nhất và tiêu biểu nhất của Việt Nam, với diện tích mặt nước rộng 21.600 hecta, chiếm 48,2% tổng số diện tích mặt nước các đầm phá ven bờ Việt Nam. Về quy mô, Tam Giang - Cầu Hai là đầm phá lớn nhất ở Đông Nam Á và thuộc loại lớn trên thế giới.
Bình minh trên phá Tam Giang – Cầu Hai
Bình minh trên phá Tam Giang – Cầu Hai
Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai dài 68 km, rộng nhất là 8 km, hẹp nhất là 0,6 km, có độ sâu trung bình 1,5 - 2m và được chia thành ba phần: phía bắc là phá Tam Giang, ở giữa là An Truyền, Thủy Tú và phía nam là đầm Cầu Hai. Vực nước có thể tích trung bình 300 triệu m3, khi có mưa lũ lên đến trên 400 triệu m3. Vực nước đầm phá thông với biển qua hai cửa Tư Hiền (phía nam) và Thuận An (phía bắc). Hai phía đầm phá phát triển các thềm, bãi cao 2-4 m cấu tạo bằng cát, bột cát. Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có khoảng 900 loài sinh vật, đặc biệt có 7 loài cỏ biển, 7 loài thực vật ngập mặn, 230 loài cá và 73 loài chim nước.
4. Cát Bà - Quần đảo có nhiều đảo nhất
Quần đảo Cát Bà bao gồm 367 hòn đảo lớn, nhỏ, nằm ở phía Nam Vịnh Hạ Long và ngoài khơi thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh. Quần đảo cách trung tâm thành phố Hải Phòng 30 km và cách thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh 25 km. Đảo lớn nhất của quần đảo là đảo Cát Bà (còn gọi là đảo Ngọc).
Một góc quần đảo Cát Bà
Một góc quần đảo Cát Bà
Quần đảo Cát Bà có đa dạng sinh học cao, có rừng mưa nhiệt đới trên đảo đá vôi, rừng ngập mặn, các rạn san hô, thảm rong - cỏ biển, hệ thống hang động, tùng áng, là nơi hội tụ đầy đủ các giá trị bảo tồn đa dạng sinh học, bảo đảm các yêu cầu của khu dự trữ sinh quyển thế giới theo quy định của UNESCO. Ngày 02/12/2004, Cát Bà đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
5. Trường Sa - Quần đảo xa bờ nhất
Quần đảo Trường Sa nằm giữa Biển Đông về phía Đông Nam nước ta, phía Bắc là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, phía đông giáp biển Philippines, phía nam giáp biển Malaysia, Brunei và Indonesia. Trung tâm quần đảo Trường Sa cách Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) 243 hải lý, cách Vũng Tàu 440 hải lý. Quần đảo Trường Sa gồm trên 100 hòn đảo nhỏ và bãi san hô với diện tích vùng biển rộng khoảng 180.000 km2.
Quần đảo Trường Sa nhìn từ trên cao
Quần đảo Trường Sa nhìn từ trên cao
Quần đảo Trường Sa án ngữ đường hàng hải quốc tế nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, giữa Châu Âu, Châu Phi, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản, giữa các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á, một tuyến đường huyết mạch có lưu lượng tàu thuyền tấp nập vào hàng thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Địa Trung Hải). Trung bình mỗi ngày có từ 250 đến 300 tàu biển các loại đi qua Biển Đông.
6. Cụm đảo Hòn Khoai - Cụm đảo gần xích đạo nhất
Cụm đảo Hòn Khoai thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, gồm năm đảo nhỏ và rất nhỏ: Hòn Khoai, hòn Sao, hòn Gò, hòn Đồi Mồi và hòn Đá Lẻ. Cụm đảo nằm ở vĩ độ thấp nhất so với phần đất liền và nằm giữa biển trên thềm lục địa, nên khí hậu có tính chất nhiệt đới gió mùa cận xích đạo và tính hải dương: nóng quanh năm, nền nhiệt cao (tổng lượng nhiệt trong năm hơn 9000oC với nhiệt độ không khí trung bình năm là 26,7oC) rất ít thay đổi trong ngày và trong năm; lượng mưa khá nhiều (trung bình năm đạt 2078mm) và phân hóa theo hai mùa rõ rệt. Hòn Đá Lẻ thuộc cụm đảo Hòn Khoai, được lấy làm điểm chuẩn của đường cơ sở (điểm A2, tọa độ 8o22’8” độ vĩ Bắc và 104o52’4” độ kinh Đông) dùng để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam (Tuyên bố ngày 12/11/1982 của Chính phủ Việt Nam).
Một góc đảo Hòn Khoai
Một góc đảo Hòn Khoai
Với vị trí đặc biệt, cụm đảo Hòn Khoai có tiềm năng phát triển kinh tế biển, đảo với dịch vụ hàng hải, dịch vụ đánh bắt hải sản, nuôi trồng hải sản, du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học.
7. Phú Quốc - Hòn đảo lớn nhất
Đảo Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất trong hệ thống hải đảo của Việt Nam với diện tích 561km2. Đảo Phú Quốc nằm trấn giữ ở phía đông bắc Vịnh Thái Lan, ở biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Đảo có dạng hình tam giác, chiều theo phương bắc - nam dài 50km, chiều theo phương Đông - Tây dài 27km ở phần bắc đảo, đảo thót hẹp dần về phía nam.
Đảo Phú Quốc với những bãi biển dài, cát trắng mịn màng
Đảo Phú Quốc với những bãi biển dài, cát trắng mịn màng
Đảo Phú Quốc có vị trí tiền tiêu - biên giới, là tiền đồn vững chắc trong bảo vệ quốc phòng - an ninh, là nơi có lợi ích trong phát triển kinh tế cửa khẩu, vùng biên, giao thương quốc tế.
8. Khu bảo tồn biển Nam Yết - Khu bảo tồn biển Việt Nam lớn nhất
Khu bảo tồn biển Nam Yết thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, có tổng diện tích là 35.000 ha, trong đó diện tích biển là 20.000 ha và toàn bộ diện tích đảo rạn san hô Nam Yết 15.000 ha.
Khu bảo tồn biển Nam Yết
Khu bảo tồn biển Nam Yết
Giống như toàn vùng biển Trường Sa, Khu bảo tồn biển Nam Yết là bãi đẻ của nhiều sinh vật biển, gồm cả các loài thú biển; đây cũng là nơi làm tổ của các loài chim và rùa biển. Vùng biển cụm đảo Nam Yết có tầm quan trọng kinh tế đối với nghề đánh bắt hải sản xa bờ. Ngoài ra, nó còn có giá trị pháp lý đối với vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia về mặt lãnh thổ và tài nguyên môi trường.
9. Huyện đảo Lý Sơn - Huyện đảo có mật độ dân số cao nhất
Huyện đảo Lý Sơn là huyện đảo tiền tiêu nằm ở ngoài khơi vùng biển tỉnh Quảng Ngãi, cách thành phố Quảng Ngãi 45km về phía Đông Bắc, cách cảng nước sâu Dung Quất 36km về phía Đông. Huyện đảo bao gồm đảo Lý Sơn (còn gọi là Cù Lao Ré hoặc đảo lớn), cù lao Bờ Bãi và hòn Mù Cu.
Một phần huyện đảo Lý Sơn nhìn từ ngọn Hải Đăng trên biển
Một phần huyện đảo Lý Sơn nhìn từ ngọn Hải Đăng trên biển
Huyện đảo Lý Sơn có tổng diện tích đất là 9,97km2, dân số là 18.223 người (năm 2009). Mật độ dân số của huyện là 1.888 người/km2, đây là huyện đảo có mật độ dân số cao nhất trong 12 huyện đảo của Việt Nam. Đi khắp đảo, du khách có thể bắt gặp nhiều đình, miếu, chùa chiền, lăng mộ. Và, đặc biệt hơn nữa là dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa qua các cuộc khai quật ở suối Chình, xóm Ốc.

Theo Quê Hương Online



Tre Làng-Loa Phường-Tiên Lãng-Tiếng nói-Đất mẹ-Việt Nam-Dân Việt-Tuổi trẻNhân dân-QĐND-VNCH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét