"Quân đội ta trung với Ðảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng" - đó là lời Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người khẳng định bản chất cách mạng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tác giả, cựu chiến binh Vũ Tiến Anh đã sử dụng nội dung cơ bản của tư tưởng chỉ đạo này để đặt tên cho bài viết gửi Báo Nhân Dân. Theo tác giả, ông không thể im lặng trước việc một số người nhân việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để đưa ra ý kiến đòi "phi chính trị hóa quân đội", thậm chí xuyên tạc một nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992...
Một đơn vị QĐND Việt Nam duyệt binh tại Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Tôi viết bài này gửi tới Báo Nhân Dân sau một sự kiện là niềm tự hào của gia đình tôi. Ðó là cuối tháng 2 vừa qua, con trai đầu của tôi đã lên đường nhập ngũ, từ nay gia đình tôi có ba thế hệ là "Bộ đội Cụ Hồ". Cha tôi nhập ngũ từ kháng chiến chống thực dân Pháp, sau đó chiến đấu trên chiến trường miền nam, ông đã về hưu gần 20 năm; tôi nhập ngũ đầu năm 1975, tuy không được tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, nhưng tôi từng chiến đấu ở biên giới Tây Nam, nay đã chuyển ngành. Sức yếu nên cha tôi không cùng mọi người tiễn cháu tới nơi tập trung. Ông cầm tay cháu dặn dò: "Từ nay là "Bộ đội Cụ Hồ" rồi cháu nhé!". Tôi biết đó là lời gan ruột của ông. Như mọi người Việt Nam, cha con tôi đều mang trong mình dòng máu yêu nước của tổ tiên. Tuy nhiên, qua tâm sự của cha, qua năm tháng trong quân ngũ, rồi về sau tìm hiểu, tôi tin chắc nếu không được dẫn dắt bởi một tư tưởng chính trị đúng đắn thì lòng yêu nước sẽ rất dễ lạc hướng. Thời đất nước còn bị chia cắt, quân đội Sài Gòn hô hét "Tổ quốc - danh dự - trách nhiệm", song khẩu hiệu đó có nghĩa lý gì khi đội quân ấy phải "tầm gửi" vào túi tiền của ngoại bang và dùng súng bắn lại đồng bào? Nên đội quân ấy đã thất bại thảm hại, mặc dù "có lục quân và không quân đứng thứ 4 thế giới, hải quân đứng thứ 9 thế giới", "có ưu thế 2 lần về quân số, 4 lần về xe tăng và đại bác, hơn tuyệt đối về không quân và hải quân" so với Quân đội nhân dân Việt Nam (QÐND Việt Nam). Rộng hơn và xa hơn, các đội quân viễn chinh từ phương Tây tới Việt Nam, sau này đến Afghanistan, Iraq,... đều nhân danh bảo vệ đất nước của họ, "bảo vệ thế giới tự do", "chống khủng bố", "bảo vệ nhân quyền",... Nhưng các chiêu bài ấy không che đậy được sự thật là họ từng đẩy nước ta vào cảnh lầm than, đang đẩy xã hội Iraq, Afghanistan lâm vào cảnh rối ren với cái chết của hàng trăm nghìn người dân lành vô tội. Những hành động đó vì mục đích "phi chính trị" hay sao?
Là người am hiểu về lý luận và thực tiễn quân sự, có tầm nhìn xa trông rộng về bản chất, vai trò của lực lượng vũ trang cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngay từ khi thành lập Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (năm 1944) - tiền thân của QÐND Việt Nam, Bác Hồ đã dứt khoát khẳng định vai trò tổ chức, lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam đối với quân đội cách mạng, khẳng định tính tất yếu của quan hệ chặt chẽ giữa quân sự và chính trị. Ngày 25-10-1951, tại Trường chính trị trung cấp quân đội, Người nói: "Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nhân dân có Ðảng lãnh đạo, Ðảng có chính cương, chính sách. Ðã là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Ðảng". (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 6, NXB Chính trị Quốc gia, H.2009, tr.318). Và trong Chỉ thị thành lập Ðội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Người viết: "Ðội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền. Vì muốn có kết quả thì về quân sự, nguyên tắc chính là tập trung lực lượng, cho nên, theo chỉ thị mới của Ðoàn thể, sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực". Thực tế đã chứng minh, dưới sự tổ chức, lãnh đạo của Ðảng, QÐND Việt Nam đã trở thành lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang để đương đầu, đánh thắng các thế lực ngoại xâm có tiềm lực quân sự mạnh gấp nhiều lần. Thực tế cũng chứng minh, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Ðảng, quân đội ta đã có đường lối chính trị, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu đúng đắn, có khả năng xác định đối tượng tác chiến cụ thể,... Ðó là các yếu tố nền tảng để QÐND Việt Nam xác định phương hướng tổ chức và xây dựng lực lượng. Nhìn lại lịch sử, gần 70 năm qua, QÐND Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam đã cùng toàn dân hoàn thành rất xuất sắc nhiệm vụ giải phóng đất nước, và đang ngày đêm bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Cho nên tôi rất phẫn nộ, khi thấy gần đây xuất hiện ý kiến đánh giá của một số người về một luận điểm rất quan trọng của Bác Hồ về bản chất của QÐND Việt Nam. Từ sự kiện ngày 26-5-1946 tại Lễ khai giảng của Trường võ bị Trần Quốc Tuấn, Bác Hồ đã trao tặng cán bộ, học viên nhà trường lá cờ đỏ có thêu dòng chữ "Trung với Nước, Hiếu với Dân", có người đặt ra câu hỏi: "Không hiểu sao, sau này người ta lại thêm, không còn ngắn gọn, kéo dài Lời dạy của Bác Hồ đối với quân đội từ 24 chữ thành 46 chữ, bộ đội ta khó nhớ". Người khác liên hệ với Ðiều 70 (sửa đổi, bổ sung Ðiều 45) của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với nội dung: "Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Ðảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Ðảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế", để cho rằng: "... "Trung với nước, hiếu với dân" là sự tổng kết cô đọng nhất về nhiệm vụ và mục đích tối thượng của quân đội ta" rồi quy kết việc sửa thành "Trung với Ðảng, hiếu với dân" là "vô nghĩa" và "những người bỏ vế "Trung với nước" như thế là chống lại Hồ Chí Minh chứ không phải làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh". Người khác trả lời phỏng vấn trên BBC: "Trước đây, Hồ Chủ tịch chỉ nói quân đội phải trung với nước, hiếu với dân... Lâu nay người ta nói học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh mà sao bây giờ người ta lại muốn làm trái là thế nào? Sao lại thay đổi ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh?". Tôi rất thất vọng, vì trong những người phát ngôn như thế, có người từng nhiều năm phục vụ trong quân đội!
Xem xét về lịch sử, người cẩn trọng sẽ thấy lời căn dặn "Trung với Nước, Hiếu với Dân" của Bác Hồ ra đời vào thời điểm tháng 5-1946, tình hình đất nước rất phức tạp. Trước vô vàn khó khăn, phải đối phó với nhiều kẻ thù, nên để chuẩn bị lực lượng trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp, tập hợp khối đoàn kết toàn dân, thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến với sự có mặt của đại diện nhiều thành phần, đảng phái, về danh nghĩa Ðảng ta tuyên bố tự giải tán; nhưng thực tế là Ðảng rút vào hoạt động bí mật. Ðây là lý do để Bác Hồ không nhắc tới "Ðảng" khi Người tới dự lễ khai giảng khóa đầu tiên Trường võ bị Trần Quốc Tuấn. Tại đây, Bác nói với học viên: "Anh em có nhiều giai cấp, tư tưởng khác nhau, trước hết phải đoàn kết, đoàn kết thật thà. Phải có kỷ luật cả về tinh thần lẫn vật chất. Phải noi gương anh dũng của anh em binh sĩ hồi khởi nghĩa để làm gương cho các lớp về sau", rồi Người căn dặn: "Mong rằng anh em ở đây, bao giờ cũng phải làm theo hai khẩu hiệu mà nó là cái mục đích của anh em: Trung với nước, hiếu với dân".
Vì muốn đi từ quy kết đến phủ nhận vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam đối với QÐND Việt Nam, người nêu ý kiến lệch lạc trên lại bộc lộ "tầm nhìn không qua ngọn cỏ" của chính mình. Cho rằng Ðiều 70 (sửa đổi, bổ sung Ðiều 45) của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có "tầm nhìn không qua ngọn cỏ", song người đó không biết sau này, khi vai trò lãnh đạo cách mạng của Ðảng đã được khẳng định công khai, trong Bài nói trong buổi chiêu đãi mừng quân đội ta 20 tuổi (đăng Báo Nhân Dân ngày 23-12-1964), Bác Hồ nói rất cụ thể: "Quân đội ta trung với Ðảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Cán bộ và chiến sĩ thương yêu nhau như ruột thịt, chia ngọt sẻ bùi. Quân và dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau" (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 11, NXB Chính trị Quốc gia, H.2009, tr.350). Vậy, chính họ là người hiểu trái ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải biết xấu hổ vì phát ngôn tùy tiện.
Trong gia đình, cha con tôi cùng là cựu chiến binh, ngày 22-12, ngày 27-7, ngày thành lập đơn vị,... cha con tôi đều gặp gỡ đồng đội cũ, đến Nghĩa trang liệt sĩ thắp nén tâm nhang. Nhiều lần cha tâm sự với tôi: "Cha may mắn là lành lặn trở về, bao nhiêu đồng đội của cha không được như thế!", nói xong ông lại rơm rớm nước mắt. Mỗi lần nghe cha tâm sự, tôi càng thấy thấm thía. Ðể có cuộc sống hôm nay, để chúng ta có thể tự hào là người Việt Nam, đã có hàng vạn, hàng vạn "Anh Bộ đội Cụ Hồ" ngã xuống, trong số đó, có rất nhiều người là đảng viên cộng sản. Họ luôn đi đầu trên trận tuyến chống quân thù, sẵn sàng hy sinh vì lời thề: "Trung với Ðảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng". Những năm tháng này, cán bộ, chiến sĩ trong LLVT vẫn có mặt ở mọi miền Tổ quốc. Họ vượt mọi khó khăn gian khổ để nắm chắc cây súng bảo vệ Tổ quốc. Họ sống cùng nhân dân, giúp đỡ nhân dân lúc khó khăn, cùng nhân dân xóa đói, giảm nghèo. Tôi kính trọng họ, vì họ là người yêu nước chân chính, không huênh hoang tự coi mình yêu nước hơn người khác. Họ không kiêu căng, mà bình dị, dù đã đổ nhiều mồ hôi, công sức, thậm chí cả xương máu của mình đóng góp cho Tổ quốc. Hàng triệu người con ưu tú của Tổ quốc đã và đang sống như thế. Tôi tin vào điều đó, và tin con trai tôi sẽ xứng đáng là "Anh Bộ đội Cụ Hồ".
VŨ TIẾN ANH - Báo Nhân Dân Online
Tre Làng-Loa Phường-Tiên Lãng-Tiếng nói-Đất mẹ-Việt Nam-Dân Việt-Tuổi trẻNhân dân-QĐND-VNCH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét