Hiến pháp nước ta là đạo luật cơ bản nhất của Nhà nước và xã hội, nó thể hiện ý chí và nguyện vọng của đại đa số nhân dân Việt Nam ở trong và ngoài nước. Trải qua suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước và giữ nước của dân tộc, chúng ta đã có các bản Hiến pháp như: Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992. Dưới sự tác động của bối cảnh tình hình quốc tế trong nước và quốc tế, ở mỗi bản Hiến pháp đều thể hiện được các giá trị lịch sử riêng, phù hợp với thực tiễn là định hướng chiến lược cực kì quan trọng cho các hoạt động đất nước ta. Trong các bản Hiến pháp, vị trí và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam luôn được khẳng định với tính pháp lí ngày càng vững chắc (nhất là trong Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992) . Với cách gọi quen thuộc khi nhắc đến là “Điều 4 Hiến pháp” là người ta biết ngay đến vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Hiến pháp năm 1980 ở điều 4 đã có ghi: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam được vũ trang bằng học thuyết Mác Lênin là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội; là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng tồn tại và phấn đấu vì lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Các tổ chức Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp”.
Đến Hiến pháp năm 1992, giữ điều 4 nhưng có sửa lại: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc theo chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992.
Có thể thấy, Hiến pháp “thừa nhận” Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội không phải “cho phép” Đảng được lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Các thế lực thù địch kiên quyết cho rằng điều 4 của Hiến pháp chính là “giấy phép độc quyền” cho Đảng cầm quyền lãnh đạo. Chúng quên mất rằng, lịch sử đã chúng minh Đảng Cộng Sản Việt Nam là người lãnh đạo duy nhất đáp ứng các yêu cầu bức thiết của nhân dân ta trong các giai đoạn cách mạng. Nhiều Đảng vì không thể đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân mà tự nguyện giải tán (Đảng dân chủ Việt Nam, Đảng Xã hội Việt Nam đã tự tuyên bố giải thể năm 1988). Như vậy “Giấy phép” cho Đảng Cộng sản Việt Nam có vai trò lãnh đạo chính là lòng tin yêu của dân. Bởi lẻ, từ khi Đảng ra đời đến nay do ý Đảng hợp lòng dân, nên Đảng đã lãnh đạo được nhân dân ta đấu tranh giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Đảng có vai trò lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội nhưng vì trong xã hội có lực lượng của nhiều tổ chức chính trị – xã hội khác nhau nên sự thừa nhận chính thức vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Hiến pháp là rất cần thiết. Với sự thừa nhận đó, Đảng có trọng trách trong việc lãnh đạo xây dựng bộ máy chính quyền, trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc và thời đại để giành thắng lợi cho cách mạng. Sau thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, mục tiêu độc lập, tự do, hạnh phúc được thực hiện theo cơ chế chung là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
Quyền làm chủ của dân được thực hiện qua việc dân bầu ra Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của mình để quản lý toàn xã hội bằng luật pháp. Quốc hội ban hành Hiến pháp là luật gốc. Điều 4 trong Hiến pháp là chỗ dựa pháp lý để Nhà nước quản lý tổ chức và hoạt động của Đảng.
Từ khi nhân dân ta có Đảng lãnh đạo, các thế lực thù địch với cách mạng Việt Nam luôn chĩa mũi nhọn của chúng vào việc chống phá Đảng. Sự thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng như trong điều 4 của Hiến pháp là cơ sở pháp lý để trừng trị những kẻ có hành vi, đủ chứng cứ là cố tình xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ Đảng với nhân dân, kích động nhân dân chống lại Đảng hòng mưu toan lật đổ chính quyền cách mạng, thay đổi chế độ xã hội để nhân dân không còn có quyền làm chủ. Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 không chỉ thừa nhận Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội mà còn quy định điều kiện Đảng phải có để giữ được vai trò lãnh đạo. Điều kiện đó là Đảng phải gắn bó chặt chẽ với giai cấp công nhân, phải là đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Mọi tổ chức của Đảng phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Nếu Đảng không tự xây dựng được mình theo những điều kiện đó thì Đảng không có tư cách là Đảng lãnh đạo.
Như vậy, điều 4 Hiến pháp là tối thượng thể hiện quyền lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Viện Nam với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong thời gian tới, với sự tác động mạnh mẽ của tình hình khu vực và thế giới, ảnh hưởng lớn từ các vấn đề trong nước dự kiến tình hình kinh tế chính trị, xã hội của nước ta sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức mới. Các thế lực thù địch, phản động đang hàng ngày, hàng giờ thực hiện các âm mưu, chiến lược hoạt động “Diễn biến hòa bình”, tiến tới bạo loạn lật đổ, tác động từng bước chuyển hóa chế độ chính trị ở nước ta. Trong đó, mục tiêu hàng đầu của chúng là xóa bỏ điều 4 Hiến pháp, từ đó lật đổ chế độ XHCN ở nước ta. Chính vì vậy, việc bảo vệ, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trên cả phương diện pháp lí và thực tiễn là rất quan trọng. Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là tất yếu của lịch sử./.
Theo Blog Nền Dân Chủ
Tre Làng-Loa Phường-Tiên Lãng-Tiếng nói-Đất mẹ-Việt Nam-Dân Việt-Tuổi trẻNhân dân-QĐND-VNCH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét