(Dân trí) - Với 486/488 đại biểu tán thành, chỉ 2 đại biểu không biểu quyết, không có đại biểu nào không tán thành, Quốc hội vừa thông qua bản Hiến pháp sửa đổi.
Trước khi các đại biểu bấm nút, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, mỗi đại biểu sẽ thực hiện ý chí nguyện vọng, thay mặt toàn dân quyết định về việc thông qua dự thảo Hiến pháp, biểu quyết toàn văn Hiến pháp.
Kết quả, 486/488 đại biểu tán thành (chiếm 97,59% tổng số đại biểu). Chỉ 2 đại biểu không biểu quyết, không có đại biểu nào không tán thành.
Kết quả biểu quyết thông qua Hiến pháp mới (Ảnh: Việt Hưng) |
9h45 sáng 28/11, Quốc hội đứng dậy vỗ tay chào mừng bản Hiến pháp mới.
Đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua bản Hiến pháp mới (Ảnh: VPQH) |
Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lần sau chót để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Về chương Chế độ chính trị, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định “khối đại đoàn kết toàn dân tộc” là nền tảng của quyền lực nhà nước”. UB Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận định, quy định nước CHXHCN Việt Nam do nhân dân làm chủ đã thể hiện rõ bản chất dân chủ của Nhà nước ta.
Theo đó, Điều 2 như thể hiện trong dự thảo Hiến pháp với khẳng định về nền tảng vững chắc của chính quyền nhân dân là liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức đã thể hiện bản chất của Nhà nước. Đây là vấn đề đã được thể hiện trong Cương lĩnh và thực tiễn hoạt động của Nhà nước. Còn ý “đại đoàn kết toàn dân tộc” là một trong những động lực rất quan trọng để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Do đó, quy định này được giữ nguyên trong bản dự thảo cuối cùng trình Quốc hội thông qua.
Điều 4 về vai trò lãnh đạo của Đảng được bổ sung quy định về trách nhiệm của Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Nội dung về bản chất của Đảng cũng được bảo lưu: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: "Không cần thiết quy định chi tiết về kinh tế nhà nước trong Hiến pháp". (Ảnh: Việt Hưng) |
Các vấn đề liên quan đến quyền hạn, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, trước hết, trong chương Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, các đại biểu Quốc hội đều tán thành với quy định về Chủ tịch nước tại Điều 88 của Dự thảo. Theo đó, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước CHXHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại, thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh. Một số ý kiến đề nghị làm rõ hơn vị trí, thẩm quyền của Chủ tịch nước trong cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta; làm rõ hơn vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước.
Tiếp thu ý kiến này, bản dự thảo sau cùng đã làm rõ thêm thẩm quyền của Chủ tịch nước trong từng lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp và quy định mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với Quốc hội, Chính phủ, cơ quan tư pháp. Đồng thời, Dự thảo đã làm rõ hơn vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước trong việc quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam…; cùng với đó là bổ sung quy định thẩm quyền của Hội đồng quốc phòng và an ninh do Chủ tịch nước làm Chủ tịch quyết định việc lực lượng vũ trang nước ta tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng, ông Lưu khái quát, tuyệt đại đa số kiến tán thành với quy định Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội và đồng tình với quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ quy định tại Điều 96 của Dự thảo.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định nhằm phân biệt rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong việc đề xuất, xây dựng chính sách trình cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc tự mình quyết định theo thẩm quyền. Nội dung này đã được bổ sung vào khoản 2 Điều 96.
Có ý kiến đề nghị làm rõ thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng trong việc đàm phán, ký và tổ chức thực hiện điều ước quốc tế. Dự thảo Hiến pháp cũng được chỉnh lý theo hướng phân định rõ thẩm quyền của tập thể Chính phủ trong việc tổ chức đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước theo ủy quyền của Chủ tịch nước; quyết định việc ký, gia nhập, phê duyệt hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ và thẩm quyền của Thủ tướng trong quyết định và chỉ đạo việc đàm phán, chỉ đạo việc ký, gia nhập điều ước quốc tế thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; tổ chức thực hiện điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Về các thành phần kinh tế, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho biết, vẫn có ý kiến đề nghị bỏ quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” hoặc quy định cụ thể nội hàm của kinh tế nhà nước.
Ông Lưu cho rằng, để bảo đảm định hướng XHCN của nền kinh tế nước ta thì việc quy định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là cần thiết, khẳng định vai trò của Nhà nước và kinh tế nhà nước trong việc định hướng, điều tiết sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quy định như vậy không ảnh hưởng đến sự vận hành của nền kinh tế thị trường và vị trí, vai trò của các thành phần kinh tế khác.
Mặt khác, kinh tế nhà nước là một phạm trù rộng, bao gồm nhiều yếu tố, nguồn lực, trong đó doanh nghiệp nhà nước chỉ là một trong nhiều yếu tố đó. Do vậy, nội dung này được xác định không cần thiết phải quy định chi tiết về kinh tế nhà nước trong Hiến pháp. Việc xác định nội hàm kinh tế nhà nước sẽ được cụ thể trong các đạo luật liên quan.
Về thu hồi đất, cơ quan giải trình phân tích, trong điều kiện phát triển của nước ta hiện nay, vẫn cần thiết phải thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, để tránh tình trạng thu hồi đất tràn lan, tùy tiện, Hiến pháp cần quy định việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội gắn trực tiếp với các mục tiêu vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Do đó, cơ quan giải trình đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội nhưng thể hiện lại cho gắn kết với mục tiêu lợi ích quốc gia, công cộng.
Chương Chính quyền địa phương (một vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau nhất qua các lần thảo luận), UB Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận định, cần quy định khái quát theo hướng: “Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định”.
Việc tổ chức HĐND và UBND cụ thể ở từng đơn vị hành chính sẽ được quy định trong Luật tổ chức chính quyền địa phương trên cơ sở tổng kết việc thực hiện chủ trương của Đảng thí điểm một số nội dung về tổ chức chính quyền đô thị và kết quả tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và các nguyên tắc phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương.
“Chốt” lại vấn đề phúc quyết Hiến pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu, thực tiễn lập hiến ở Việt Nam cho thấy, nhân dân tham gia vào tất cả các công đoạn của quy trình lập hiến, từ việc tổng kết thi hành Hiến pháp đến việc xây dựng và tham gia ý kiến vào Dự thảo Hiến pháp trình Quốc hội thông qua. Do đó, về thực chất, Dự thảo Hiến pháp trước khi trình Quốc hội thông qua đã thể hiện ý chí và trí tuệ của nhân dân. Vì vậy, Hiến pháp đã giao Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân quyết định việc trưng cầu dân ý.
Trưng cầu ý dân về Hiến pháp là việc hệ trọng nên cần phải được cân nhắc một cách toàn diện, phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng giai đoạn phát triển của nước ta. Do đó, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị Quốc hội cho giữ quy định “Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định” để kết hợp giữa thẩm quyền của Quốc hội và chủ quyền của nhân dân trong việc xây dựng Hiến pháp.
Toàn văn Hiến pháp sửa đổi được trình bày trước khi Quốc hội bấm nút biểu quyết.
P.Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét