Hình ảnh Bác Hồ bỏ phiếu ngày 6/1/1946 |
[Mực Tàu]- Lịch sử hơn nửa thế kỷ qua đã chứng tỏ việc Bác Hồ quyết định tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội Khóa I trong tình thế đất nước Ngàn cân treo sợi tóc, rồi sau đó lại nhanh chóng cho ra đời bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là những quyết định cực kỳ sáng suốt và dũng cảm. Những quyết định đó không thể nào sớm hơn được, nhưng để chậm hơn thì tình thế sẽ vô cùng khó khăn phức tạp.
Trong một hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: Hồ Chí Minh là con người của những quyết định lịch sử.
Ngày 3-9-1945, một ngày sau Ngày Tuyên ngôn độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Bác Hồ đã nói với các vị Bộ trưởng, Thứ trưởng:
Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu…
Ngày 8-9-1945, một tuần sau Ngày Tuyên bố độc lập, Bác đã ký Sắc lệnh số 14 Quyết định tổ chức Tổng tuyển cử trên phạm vi cả nước.
Trong lịch sử hiếm có một quốc gia nào vừa mới giành được độc lập với bao khó khăn đang chồng chất lại dám tổ chức một cuộc Tổng tuyển cử thực sự dân chủ như nước Việt Nam ta hồi ấy. Thấy một số người có vẻ lo lắng về trình độ nhân dân, sợ Tổng tuyển cử không đạt kết quả, Bác khẳng định: “Nhân dân ta sẽ biết sử dụng lá phiếu của mình, Tổng tuyển cử nhất định sẽ thành công”.
Ngày 31-12-1945, Bác viết bài đăng trên Báo Cứu quốc số 130: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài để gánh vác công việc của Nhà nước…
Trong Tổng tuyển cử, hễ ai là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử, không chia trai gái, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó…
Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội, Quốc hội cử ra Chính phủ, Chính phủ thực sự là Chính phủ của toàn dân…”
Ngày 10-12-1945, danh sách các ứng cử viên đã được niêm yết rộng rãi. Tại Hà Nội có 74 ứng cử viên để bầu 6 đại biểu, Bác là ứng cử viên ở Hà Nội.
Chiều 5-1-1946, Bác đến Khu học xá (nay là Đại học Bách khoa), cùng với các ứng cử viên ra mắt gặp gỡ cử tri. Trước đông đảo quần chúng Bác nói với các ứng cử viên: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ đến lợi chung…” Rồi hướng đến cử tri Bác căn dặn: “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện quyền dân chủ của mình”.
Ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử đã được tiến hành và thành công trên phạm vi cả nước. Tỷ lệ cử tri đi bầu ở các địa phương đạt từ 65% đến 95% và đã bầu được 333 đại biểu Quốc hội (Bắc Bộ 152, Trung Bộ 108, Nam Bộ 73).
Ngày 6-1-1946, đã trở thành ngày hội của cả nước, ngày hội non sông. Tưng bừng nhất vẫn là ở Thủ đô Hà Nội. Toàn thành phố có trên 187.000 cử tri thì 172.765 cử tri đã đi bầu. Bác Hồ được trúng cử với số phiếu cao nhất 97% .
Không phá hoại được Tổng tuyển cử, bọn phản động lại quyết tâm ngăn không cho Quốc hội họp được, hoặc nếu họp thì cũng không đạt được kết quả. Chúng trắng trợn đòi giành 70 ghế trong Quốc hội. Vì lợi ích chung của toàn dân tộc, Bác Hồ đã thuyết phục được các đại biểu chấp thuận yêu cầu đó.
Ngày 2-3-1946, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa I long trọng khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Cũng như các Đại biểu khác, Bác Hồ mang thẻ Đại biểu số 305.
Trong bản báo cáo ngắn gọn trước Quốc hội, Bác nói: “Cuộc Quốc dân đại biểu đại hội này là lần đầu tiên trong lịch sử nước Việt Nam ta. Nó là kết quả của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946, mà cuộc Tổng tuyển cử lại là kết quả của sự hy sinh tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta… gồm tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh, không sợ nguy hiểm, tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc… Trong cuộc toàn quốc đại hội đại biểu này, các đảng phái đều có đại biểu, mà các đại biểu không đảng phái cũng nhiều, đồng thời phụ nữ và dân tộc thiểu số cũng đều có đại biểu. Vì thế cho nên các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho một đảng phái nào mà là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam. (HCM toàn tập trang 187 - 190).
Sau gần một ngày làm việc khẩn trương căng thẳng, kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa I đã thành công tốt đẹp. Bằng uy tín tuyệt đối của mình, Bác Hồ đã đứng ra thành lập Chính phủ chính thức và được toàn thể Quốc hội phê chuẩn.
Một thành tựu có tính chất lịch sử nữa mà Bác Hồ đã để lại cho chúng ta ngày nay là bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà Bác là Trưởng ban Ban dự thảo. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác đã nhiều lần nói đến việc phải xây dựng một chính quyền của dân, do dân, vì dân. Nhưng thiết lập và xây dựng chính quyền đó không thể chỉ bằng kêu gọi và giáo dục mà phải bằng mô hình và cơ chế. Bởi vậy cần thiết phải sớm có một bản hiến pháp, mà muốn có hiến pháp phải có Quốc hội. Hiến pháp là biểu hiện tập trung nhất ý chí của một dân tộc, kỷ cương của đất nước.
Chỉ một tháng sau khi giành được chính quyền, ngày 20-9-1945, Bác Hồ đã lý Sắc lệnh 34, thành lập Ban Dự thảo Hiến pháp gồm 7 người: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiển, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu.
Với trí tuệ uyên bác, với quan điểm lấy dân làm gốc, Bác đã đưa ra bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta với những điểm ngang tầm với nền chính trị tiên tiến trên thế giới, nhiều điểm còn giá trị mang tính thời sự cho đến ngày nay mà Hiến pháp năm 1992 đã kế thừa và phát triển (Võ Nguyên Giáp - Hồi ký).
Sáng ngày 28-10-1946, Quốc hội Khóa I, kỳ họp khóa hai khai mạc trọng thể tại Nhà hát lớn Hà Nội. Đến ngày 9-11-1946 với 240 phiếu thuận, hai phiếu chống, Quốc hội đã nhất trí chuẩn y Hiến pháp chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong buổi kết thúc kỳ họp Quốc hội, Bác đã nói về bản Hiến pháp mới: “Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới Nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó đã tuyên bố cho thế giới: Phụ nữ Việt Nam đã được ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của mọi công dân. Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bằng các giai cấp…”
Chỉ trong vòng một năm trời, với vô vàn những khó khăn thử thách, với tài ba chèo lái của Bác Hồ: “Quốc hội Liên hiệp toàn dân đoàn kết được thành lập, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chính phủ liên hiệp chặt chẽ các đảng phái yêu nước kiên quyết chỉ huy cuộc kháng chiến, những kẻ thực dân ngoan cố nhất và cả những người ủng hộ chúng cũng phải chùn bước”. (Vũ Đình Hòe - Hồi ký).
Những quyết định thiên tài của Bác mãi mãi sáng ngời trong lịch sử Việt Nam ta.
Theo vannghedanang.org.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét