Mực tàu - Trước khi bước vào cuộc chiến lịch sử xâm lược Việt Nam, Mỹ đã trải qua khoảng 150 cuộc chiến với hàng ngàn chiến dịch, hàng vạn trận đánh từ năm 1776 đến 1953, trong suốt quãng thời gian dài đó, quân đội Mỹ chưa từng thua 1 cuộc chiến nào.
Năm 1954, Pháp chưa đi – Mỹ đã nhảy vào xâm lược Việt Nam. Say men bách chiến bách thắng, nhà cầm quyền Mỹ đã sai lầm khi chọn Việt Nam làm đối tượng tiến hành chiến tranh xâm lược. Họ vào một quốc gia có truyền thống chống ngoại xâm lâu đời nhất. Sau 1000 năm Bắc thuộc và 100 năm Pháp thuộc, dân tộc Việt Nam đã phải gồng mình đứng lên chống quân xâm lược mới.
Trong hơn 20 năm xâm lược Việt Nam, Mỹ đã tiến hành 177 chiến dịch, bao gồm 130 chiến dịch trên bộ, 34 chiến dịch trên không, và 13 chiến dịch trên biển. Chiến tranh Việt Nam (cách gọi theo góc nhìn Mỹ), trở thành cuộc chiến đầu tiên và đang là duy nhất trong lịch sử Hoa Kỳ mà người Mỹ đã thua.
Đại tướng Creighton W. Abram, kiến trúc sư của chiến lược Quét và Giữ ở chiến trường Việt Nam |
Thường trong các cuộc chiến tranh, phe tấn công xâm lược hầu như không bao giờ thừa nhận bại trận (đặc biệt là Trung Quốc mấy ngàn năm nay). Và kết quả thắng bại trong các cuộc chiến cũng thường có những tranh luận, quan điểm khác nhau trong giới nghiên cứu quốc tế. Nhưng đối với cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam thì gần như tất cả nhà sử học, nhà quân sự, nhà lãnh đạo, chính trị gia Hoa Kỳ và quốc tế, bao gồm 5 đời tổng thống Mỹ, Bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara, ngoại trưởng Henry Kissinger v.v. đều nhìn nhận là Mỹ đã thua trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam.
Chỉ có 1 người luôn khăng khăng không dám chấp nhận sự thật rằng Mỹ đã bại trận, đó là đại tướng William Westmoreland, tổng tư lệnh liên quân ở Việt Nam. Những thất bại của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam, đỉnh cao là chiến dịch Mậu Thân, đã làm cho Westmoreland bị cách chức, đây là một vết nhơ và nỗi nhục trong binh nghiệp của ông ta, và là một tỳ vết cho gia đình có truyền thống quân ngũ của ông ta. Ông ta bị thân bại danh liệt, danh dự cá nhân và gia đình tiêu tan, sự nghiệp quân sự và cả chính trị đã tiêu tan trong Chiến tranh Việt Nam.
Theo danh sách đang cập nhật, bổ sung của Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam ở thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ, và Tạp chí Lịch sử Quân sự Việt Nam, tài liệu của Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương thì tổng thương vong của quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam là 365.157 quân.
Lính Mỹ mệt mỏi và chán nản nhìn xác đồng đội |
Trong số hơn 36 vạn quân Mỹ thương vong, có 58.168 lính chết trong lúc giao tranh (kill in action). Bản danh sách đầu tiên năm 1982 là gồm 57.939 người, và 1.875 người vẫn còn mất tích (tính đến năm 2004). Trong số 58.168 người Mỹ tử trận, có 7.878 sĩ quan. Trong số sĩ quan chết trận, có 426 tư lệnh và sĩ quan chỉ huy. Trong số đó có 37 người cấp tướng. Sự tổn thất to lớn của Mỹ ở Việt Nam đã vượt Thế chiến I và chiến tranh Triều Tiên.
Có hơn 6 triệu người Mỹ sinh hoạt, hoạt động ở Việt Nam. Trong số những người Mỹ đó có 2.709.918 người mặc đồng phục (in uniform) hoặc/và phục vụ khu vực giao tranh. Trong số những người đó có khoảng 55-60 vạn binh lính phục vụ cho chính phủ Mỹ ở Việt Nam. Tổng số cựu quân nhân chiến tranh Việt Nam chiếm 9,7% cả thế hệ của họ….
Đối với quân đội Mỹ, cuộc chiến tranh Việt Nam căng thẳng hơn cả Thế chiến II. Trung bình mỗi người lính bộ binh Mỹ trong chiến tranh Thái Bình Dương (thuộc Thế chiến II) tốn khoảng 40 ngày chiến đấu trong 4 năm. Nhưng trung bình mỗi người lính bộ binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam tốn khoảng 240 ngày chiến đấu trong 1 năm nhờ chiến thuật Trực thăng vận.
Đi kèm theo sự tổn thất to lớn về sinh lực, nhân mạng là sự phá sản của 3 chiến lược chiến tranh (Đặc biệt, Cục bộ, Việt Nam hóa), 2 chiến lược tác chiến (Tìm và Diệt – Search and Destroy [S&D], Quét và Giữ – Clear and Hold), chiến lược Quét và Giữ (Clear and Hold) được tướng Creighton Abrams áp dụng tại Việt Nam, thay cho chiến lược Tìm và Diệt của Westmoreland, sau khi ông thay thế Westmoreland làm tổng tư lệnh liên quân sau thất bại chiến lược của Mỹ trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Quét và Giữ về cơ bản là một chiến lược chống nổi dậy và chống chiến tranh du kích, bao gồm 3 yếu tố: Các chiến dịch quân sự – dân sự phối hợp, chiến dịch quân sự tác chiến, và chiến tranh thông tin.
Ngoài ra, 3 loại hình chiến tranh công nghệ cao là chiến tranh điện tử (electronical warfare), chiến tranh hóa học (chemical warfare), và chiến tranh khí tượng (weather warfare), cùng với 2 chiến thuật quân sự Trực thăng vận và Thiết xa vận đều bị phá sản hoàn toàn ở Việt Nam. Đặc biệt chiến thuật Trực thăng vận sau này không còn được Mỹ sử dụng nữa, mà chuyển hẳn sang chuyển quân bằng máy bay phản lực hoặc xe tăng. Chiến trường Việt Nam đã đưa đến cái chết hoàn toàn cho chiến thuật Trực thăng vận thịnh hành một thời, đặc biệt sau chiến dịch Đường 9 – Nam Lào.
Theo các hồ sơ, tài liệu của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội, sau đây là các loại bom mà không quân Hoa Kỳ sử dụng ở Việt Nam:
• Bom phá MK-81, MK-82, MK-83, MK-84, M117A1, T55-E6 sử dụng để diệt mục tiêu bằng sóng xung kích và mảnh của vỏ bom.
• Bom mảnh sử dụng các mảnh thân bom để tiêu diệt mục tiêu lộ thiên hoặc thiết giáp hạng nhẹ khi nổ.
• Bom xuyên sử dụng để diệt các mục tiêu bọc thép, phá hủy những công trình kiên cố, đường hầm, địa đạo, công trình bê tông cốt thép bằng cách xuyên vào mục tiêu và nổ.
• Bom cháy sử dụng để diệt mục tiêu, sát thương sinh lực, đốt cháy nhà cửa, cây cối.
• Bom hóa học sử dụng để diệt sinh lực hoặc gây nhiễm độc địa hình và các phương tiện kỹ thuật bằng chất độc quân sự. Các loại bom hóa học Mỹ ném xuống Việt Nam thường chứa chất độc kích thích CS, chất độc tâm thần BZ, LSD, Mescalin pxyloxin….
• Bom phát quang thường dùng để phát quang nhanh khu vực rừng rậm, mặt đất để dọn bãi cho trực thăng đổ bộ và bố trí trận địa pháo.
• Bom chống tăng dùng hiệu ứng nổ lõm để diệt xe tăng, mục tiêu bọc thép khác và kho chứa….
• Bom chùm thường sử dụng để sát thương diện rộng, có kết cấu bom mẹ chứa bom con.
Hiện nay, trên cả nước có khoảng 66.000 km2 còn tồn đọng vật liệu bom, mìn. Ước tính còn khoảng hơn 600.000 tấn bom mìn đang tồn tại dưới đất. Hiện mới chỉ có khoảng 20% lượng bom, mìn được tháo gỡ. Bình quân mỗi năm có khoảng 20.000 ha đất được rà phá. Với tiến độ này, khoảng 300 năm nữa mới có thể loại bỏ được hết các loại bom mìn chưa nổ.
Bom mìn còn sót lại sau cuộc chiến này đã gây tổn thất nặng nề về sinh mạng, tài sản, đời sống của người dân, ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển kinh tế – xã hội. Bom mìn đã cướp đi mạng sống của 10.529 người, làm 12.231 người bị thương, trong đó 25% các thương tích này là ở trẻ em lứa tuổi từ 14 tuổi trở xuống. Bom mìn do quân đội Hoa Kỳ mang đến Việt Nam tàn phá còn sót lại khoảng hàng trăm ngàn tấn, rải rác trên khắp cả nước, đặc biệt các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi….Bom, mìn của Mỹ đã làm cho người dân vô tội Việt Nam không chỉ bị chết trong chiến tranh mà ngay cả trong thời bình cũng có hàng ngàn người bỏ mạng vì nó.
Miền Bắc điêu tàn dưới bom Mỹ |
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, chính phủ Hoa Kỳ đã huy động hàng triệu người Mỹ, trong đó có 4.649.000 người dưới 20 tuổi, khoảng 40% các nhà khoa học vật lý, 260 trường đại học, khoảng 22.000 xí nghiệp lớn với khoảng 5,5 triệu công nhân phục vụ cuộc chiến. Hơn 6 triệu người Mỹ sinh sống và sinh hoạt trong những vùng tạm chiếm ở miền Nam Việt Nam, hậu quả là gần nửa triệu con lai Mỹ ra đời, nhiều người trong đó không biết rõ cha mình là ai, nhiều người phải sống trong các cô nhi viện cả trong và sau cuộc chiến.
Riêng năm 1968, mỗi ngày Mỹ chi phí cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lên đến khoảng 100 triệu USD, gấp 10 lần chi phí cho cuộc chiến chống nghèo đói ở Mỹ trong thời gian đó. Riêng những hậu quả về con người: Tính từ giữa năm 1961 đến năm 1974, đã có tổng số 57.259 người Mỹ đã tử trận ở Việt Nam. Nếu tính theo toàn bộ thời gian cuộc chiến, từ năm 1954 đến 1975 thì có tổng số 58.168 người Mỹ đã chết ở Việt Nam. Tháng 11 năm 1982, chính phủ Hoa Kỳ đã khánh thành Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam để tưởng niệm những công dân Mỹ đã chết ở Việt Nam, bản danh sách ban đầu gồm 57.939 người, trong đó có 37 cấp tướng.
Tuy bị tổn thương nặng nề, Việt Nam vẫn giáng trả vào quân xâm lược những thiệt hại, thương vong tột cùng, gieo rắc vào đầu họ những hội chứng, ám ảnh không thể nào quên, trở thành những vết thương không bao giờ lành. Số lượng quân nhân Mỹ bị mắc bệnh tâm thần trong và sau thời gian chiến đấu ở Việt Nam là nhiều nhất trong tất cả các cuộc chiến mà quân đội nước này tham gia trong lịch sử.
Lần đầu tiên, vào năm 1988, chính phủ Mỹ buộc phải thừa nhận có khoảng 15% trong số lính Mỹ chiến đấu tại Việt Nam trở về bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng. Cựu binh Jim Doyle và David Curry chỉ là 2 trong số gần 60 vạn quân Mỹ bị chính phủ họ đẩy vào vũng lầy Việt Nam. Jim Doyle đã bị đẩy tới chiến trường Việt Nam khi mới 18 tuổi, mặc dù may mắn sống sót trở về, nhưng đến giờ người cựu binh này vẫn không thoát khỏi nỗi ám ảnh: “Chiến tranh là địa ngục. Nó tác động ghê gớm đến con người như một vết thương không thể hàn gắn.” và “Cuối cùng, tôi nhận ra rằng, chiến tranh không chỉ lấy cắp thời thanh niên của tôi mà còn đeo đuổi, ám ảnh suốt cuộc đời tôi”. Các nhà xã hội học Mỹ cũng xác nhận: Kể từ sau năm 1975 đến nay, năm nào cũng có những cựu binh Mỹ đã từng chiến đấu ở Việt Nam bị tinh thần bất ổn, trầm cảm rồi tự sát.
Cuộc chiến tranh lịch sử này đã in sâu vào lòng công chúng Mỹ từ thế hệ này sang thế hệ khác và đã đi vào văn hóa đại chúng như là một “hội chứng Việt Nam”. Tại Mỹ có hơn 30 ngàn sách, tiểu thuyết, truyện tranh viết về Chiến tranh Việt Nam; có 135 nhạc phẩm về Chiến tranh Việt Nam, gồm có 96 ca khúc phản chiến được lưu hành không chính thức, trong đó có 2 bài hát về cuộc thảm sát Đại học Tiểu bang Kent, khi cảnh sát Mỹ xả súng vào các sinh viên biểu tình ôn hòa phản đối chiến tranh (bài “Ohio” sáng tác năm 1970 và “Student Demonstration Time” năm 1971).
Tổng cộng có 64 phim điện ảnh Hollywood về Chiến tranh Việt Nam (bao gồm 6 phim trong cuộc chiến và 58 phim sau cuộc chiến). Có 8 phim tài liệu về Chiến tranh Việt Nam (gồm 4 phim trong cuộc chiến và 4 phim sau cuộc chiến). Đó là không tính các phim ảnh tâm lý chiến quá lộ liễu chiếm phần lớn nội dung như phim “Chúng tôi muốn sống”.
Có 54 trò chơi thương mại về Chiến tranh Việt Nam, trong đó có 47 trò chơi điện tử, bao gồm 37 trò chơi cho các máy Nintendo, Sega, Playstation và 10 trò chơi máy tính.
Hầu hết các sản phẩm văn hóa của người dân Mỹ đều nói lên rõ nét những yếu tố chính trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, như bản chất cuộc chiến, phong trào phản chiến, và tội ác chiến tranh.
Trong bộ truyện tranh Watchmen, một trong những thương hiệu truyện tranh lớn nhất ở Mỹ, có câu chuyện về việc trong khi Mỹ đang thua thì tổng thống Richard Nixon đã mời được tiến sĩ siêu nhân Manhattan can thiệp vào chiến tranh Việt Nam và giúp quân đội Mỹ thành công bình định miền Nam, sau đó xâm lược nốt miền Bắc. Kết quả Việt Nam trở thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ.
Trong bộ phim danh tiếng Forrest Gump, nhân vật chính là một người thiểu năng trí tuệ. Tuy vậy, khi sang Việt Nam chiến đấu anh lại trở thành anh hùng khi cứu được trung đội trưởng thoát chết sau một trận đánh. Khi trở về, anh lại tham gia phong trào phản đối Chiến tranh Việt Nam cùng người yêu.
Tuy cuộc chiến tranh đã kết thúc từ 39 năm trước, quan hệ hai nước Việt – Mỹ cũng đã có những bước tiến quan trọng, trở thành đối tác quan trọng của nhau. Nhưng những con số trên vẫn còn sống mãi với thời gian, nhắc nhở nhân dân mỗi nước hãy tôn trọng nền độc lập, tự chủ của nhau, cùng nhau đoàn kết hướng tới xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét