Đò Ngang - Vì sao chúng ta cứ để lặp lại đi lặp lại việc thương lái Trung Quốc định hướng thị trường trong nước, mà định hướng một cách kì dị, mua từ phân trâu đến đuôi châu rồi chân trâu; từ dễ sim đến hoa ngâu, lá cây phong ba; từ lá điều khô đến lá khoai lang non, thậm chí cả gián, đỉa…? Đó là câu hỏi bao năm nay vẫn chưa có lời giải đáp!
Thương lái Trung Quốc vào Việt Nam thu mua đỉa, lá điều khô và ốc biêu vàng |
Những năm trở lại đây, chúng ta không còn cảm thấy lạ lẫm gì khi nghe thông tin các thương lái Trung Quốc tìm mua một số thứ quái dị từ Việt Nam, bắt đầu từ các loại thảo dược nhưng phải là tận thu cả gốc rễ đến lá vải khô, lá khoai lang non, lá điều khô, ốc biêu vàng, thậm chí cả những loài như gián, đỉa…, hết thứ này đến thứ khác mà không có biện pháp nào ngăn chặn được làm xáo trộn thị trường trong nước. Để xảy ra tình trạng này một phần là do người dân thấy cái lợi trước mắt nhưng phần trách nhiệm lớn là thuộc về những người có trách nhiệm đã không làm tròn trách nhiệm của mình mà chỉ ngồi loay hoay tìm câu trả lời cho câu hỏi: chúng thu mua những thứ quái dị đó để làm gì?
Nhưng chưa xét đến mục đích thu mua của phía thương lái Trung Quốc để làm gì. Riêng việc tổ chức thu mua các loại hàng lạ đó từ phía thương lái Trung Quốc đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường Việt Nam. Xin được kể ra đây một thương vụ điển hình, đó là việc thương lái Trung Quốc mua mỡ lợn. Việc này diễn ra ồ ạt vào những tháng cuối năm 2013, khi những người nông dân Đông Nam Bộ khấp khởi mừng vì những con lợn mỡ trên 100kg bị nhiều người chê lại bất ngờ lên giá. Thế nhưng đó là dấu hiệu đầu tiên cho một “tai họa”.
Dưa hấu của nông dân được mùa nhưng bị phía Trung Quốc ép giá |
Khi thương lái Trung Quốc ồ ạt mua như vậy thì nhà nhà vỗ béo lợn để lấy mỡ đem bán kiếm lời. Thế rồi, thương lái bất ngờ dừng mua mà không một lời nói trước. Lợn mỡ ế, theo quy luật thị trường buộc phải giảm giá đến thê thảm. Khi giá thấp tới mức không thể thấp hơn được nữa thì những gã thương lái Trung Quốc lại quay lại thu mua ồ ạt để kiếm lời. Và giả sử rằng, thương lái Trung Quốc ngừng thu mua một cách đột ngột (không quay lại mua nữa) thì giá lợn hơi tại Đông Nam Bộ lại đứng trước nguy cơ bị “hành hạ”. Khi đó lợn mỡ vốn không được chuộng và khó tiêu thụ tại thị trường trong nước sẽ khiến nông dân khốn đốn vì không tìm được đầu ra. Nguy hiểm hơn nữa lúc đó, lợn nạc lại không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và chúng ta lại phải nhập khẩu với giá cao từ Trung Quốc.
Không chỉ tìm tận thu các loại mặt hàng có sẵn, phía thương lái Trung Quốc còn đặt ra các nhu cầu tiêu thụ sản phẩm khác nhau với giá cao khiến cho nông dân Việt Nam thấy lời trước mắt trồng một cách ồ ạt với số lượng lớn như dứa, dưa hấu, đỉa… mà không hề có một hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nào. Hệ quả của nó là người dân ta tạo ra một khối lượng lớn sản phẩm nhưng phía thương lái Trung Quốc lại “lặn” không sủi tăm. Thị trường trong nước thì không kham nổi hết khiến cho nông dân ta khóc dở, mếu dở.
Gần đây nhất là dưa hấu, hàng ngàn xe tải chở dưa hấu đã ùn tắc kéo dài gần 80km tại cửa khẩu Tân Thanh – Lạng Sơn. Nguyên nhân là do phía Trung Quốc không chịu nhập hàng mà lấy cớ kiểm tra hàng cố tình kéo dài thời gian cho dưa của chúng ta xuống mã để ép giá, khiến nông dân ta bỏ đi cũng không được mà không bán cũng không xong, một nông dân bức xúc nói: “Dưa của tôi thuộc loại quả to, tròn, chắc, không dập, thế nhưng sang đến chợ Pò Chài, họ chê bai đủ điều, rồi lại phân ra mấy thứ hạng với giá tụt dần. Đã sang đất họ rồi, không bán không được, đổ dưa thì họ phạt nặng”.
Như vậy, chỉ một động thái nhỏ của phía thương lái Trung Quốc đánh trúng điểm yếu nhất của nông dân Việt Nam đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường của chúng ta.
Do đó, việc phối hợp các ngành để ngăn chặn tình trạng thương lái Trung Quốc thao túng thị trường nông sản như vừa qua là vấn đề cần làm ngay. Một nền kinh tế phát triển bền vững phải là một nền kinh tế tự chủ về sản phẩm, về chất lượng, về số lượng sản phẩm và đầu ra, chứ không phải là nền kinh tế chạy theo và phụ thuộc vào nước ngoài. Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn định hướng cây trồng, vật nuôi cho nông dân và tìm đầu ra cho các sản phẩm. Ban quản lý thị trường các tỉnh phải quản lý chặt chẽ hoạt động của các thương lái nước ngoài không để xảy ra tình trạng thu mua ồ ạt, ép giá nông dân. Đẩy mạnh mô hình liên kết nhà nông – nhà doanh nghiệp – nhà nước, chấm dứt điệp khúc “được mùa, mất giá” cho nông dân.
Với dân số hơn 1,3 tỉ người, những nhu cầu nông sản từ phía Trung Quốc là rất lớn và đây là một lợi thế cho chúng ta. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Nhưng chúng ta phải biết phát huy lợi thế của mình đừng để thương lái Trung Quốc thao túng, định hướng thị trường trong nước. Để rồi cái ưu thế lại trở thành cái bất lợi cho chúng ta!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét