Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), từ ngày 9/8, ADB và Việt Nam đã thống nhất một chiến lược đối tác quốc gia (CPS) trong 4 năm tới, tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng hài hòa, nâng cao hiệu quả kinh tế và môi trường bền vững.
Giáo dục là một trong những lĩnh vực ADB cam kết tiếp tục hỗ trợ. (Ảnh: N.Y) |
Chiến lược mới sẽ tập trung hỗ trợ cho 6 lĩnh vực trọng tâm: Nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên; giáo dục; năng lượng; tài chính; giao thông vận tải; cấp nước và các cơ sở hạ tầng đô thị khác. Theo đó, sẽ tiếp tục hỗ trợ những cải cách thể chế và chính sách bao gồm cải cách các doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng hài hòa thông qua hướng mục tiêu đến các khu vực khó khăn, tăng cường năng lực của chính phủ trong việc giải quyết các thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu. Hỗ trợ của ADB cho cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn và giáo dục sẽ giúp cải thiện các cơ hội kinh tế và tiếp cận các dịch vụ của người nghèo.
ADB đánh giá, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đầy ấn tượng trong việc giảm nghèo, song sự mất cân đối giữa các vùng vẫn còn tồn tại, với mức độ nghèo cao hơn trong các nhóm dân tộc thiểu số. Người nghèo đặc biệt dễ bị tổn thương bởi suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu. Thích ứng hóa các cơ sở hạ tầng và xây dựng khả năng chống chọi với thiên tai tại các khu vực ven biển và vùng trũng sẽ bảo đảm an toàn cho nguồn nhân lực và tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ người nghèo.
Trên cơ sở đó, ADB cam kết trong quản lý khu vực công sẽ hỗ trợ các cải cách về chính sách và thể chế nhằm tăng cường hiệu quả kinh tế và cải thiện các dịch vụ xã hội cho người nghèo; đồng thời hạn chế những rủi ro do các đột biến từ bên ngoài cũng như nội tại có thể đẩy họ trở lại đói nghèo. Tổng giá trị các khoản cho vay giai đoạn 2013-2015 có thể lên tới 2,6 tỉ đô la Mỹ từ các nguồn vốn vay thông thường và 1,2 tỉ đô la Mỹ từ vốn ưu đãi của Quỹ Phát triển châu Á. Nguồn vốn cho hỗ trợ kỹ thuật có thể đạt 8 triệu đô la Mỹ mỗi năm./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét