(Dân trí) - Xin một lần nữa nghiêng mình trước hương hồn thiêng liêng của các anh. Xin chia buồn cùng các gia đình và cầu cho linh hồn các anh tịnh độ. Chúng tôi biết từ dưới suối vàng, các anh vẫn đồng hành cùng chúng tôi trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Ngày 30/7 vừa qua, Quận Ngô Quyền (TP. Hải Phòng) đã tổ chức lễ truy điệu và an táng cho Liệt sĩ, hạ sĩ Hoàng Đặng Hùng (tức Hoàng Thế Anh). Anh là con trai duy nhất trong gia đình có hai người con (dưới Hùng còn một em gái). Thân sinh của liệt sĩ Hùng là Trung tá Hoàng Đức Tuấn và Trung tá Nguyễn Thị Thúy. Cả hai người đều công tác tại Nhà máy X56 – Cục kỹ thuật, Quân chủng Hải Quân. Gia đình hiện ở tại phường Đồng Quốc Bình, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng. Hoàng Đặng Hùng có một người bác ruột cũng là liệt sĩ khi ở tuổi hai mươi.
Sinh ngày 17/5/ 1984, sau khi tốt nghiệp THPT, tháng 3/2002, Hoàng Đặng Hùng nhập ngũ. Hai năm sau, anh đã anh dũng hi sinh khi quyết tâm cứu con tàu trong cơn lốc xoáy và bị cuốn chìm xuống biển. Lúc đó, anh mang quân hàm hạ sĩ, khẩu đội trưởng và đang làm nhiệm vụ bảo vệ đảo Đá Lớn, quần đảo Trường Sa thuộc Lữ đoàn146 (Đoàn Trường Sa), Vùng 4 Hải quân.
Thế là sau 8 năm yên nghỉ ngoài đảo Nam Yết (Trường Sa), giờ đây, Hùng đã được trở về với thành phố quể hương, về với niềm mong đợi khắc khoải của người thân và bè bạn. Cùng về đất liền với Hoàng Đặng Hùng lần này còn có các Liệt sĩ Phạm Văn Thế (sinh năm 1980) quê ở Khánh Hòa và Đỗ Khánh Hưng (sinh năm 1978) ở Thái Bình.
Gia tài Liệt sĩ Hoàng Đặng Hùng để lại thật giản dị như gia tài của mọi người lính trên đất nước này. Đó là hai bộ quân phục xuân hè, một áo khoác thu đông, màn tuyn, đèn pin, quần đùi, áo may ô, bàn chải, thuốc đánh răng, xà phòng, cuốn sổ đoàn viên và tấm giấy khai sinh… Tài sản quý giá nhất của anh có lẽ là những lá thư được cẩn thận bọc kín trong hai lần giấy báo gói trong túi ni lon.
Nhìn ảnh người mẹ Hùng nức nở bên những di sản của anh, thật không cầm được nước mắt.
Đặng Hoàng Hùng không phải là người đầu tiên và chắc chắn không phải là người cuối cùng hi sinh trong sự nghiệp chinh phục biển khơi và bảo vệ biên cương Tổ quốc. Trước Hùng, đã có hàng ngàn, hàng vạn những người con thân yêu của đất mẹ Việt Nam hi sinh trong sự nghiệp thiêng liêng này. Họ là những ngư dân Việt Nam đầu tiên đặt bàn chân để khẳng định chủ quyền quốc gia từ hàng trăm năm trước hay là những người lính bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa những năm sau này.
Dù hi sinh trong bất cứ thời điểm nào, với bất cứ công việc gì, họ đều là những người anh hùng bởi những người đã mang sinh mạng của mình xả thân để bảo vệ đất đai của Tổ quốc không thể không là những người anh hùng của dân tộc.
Liệt sĩ Đặng Hoàng Hùng hi sinh khi tròn hai mươi tuổi có nghĩa là anh đã
sống mãi mãi tuổi hai mươi của mình với non sông, đất nước. Tổ quốc và nhân dân ngàn đời ghi nhớ công ơn của các anh hay nói cách khác, các anh sống mãi với lịch sử vẻ vang của dân tộc.
Xin vĩnh biệt anh, vĩnh biệt những người anh hùng của Đất mẹ Việt Nam.
Chúng tôi, những người đang sống hôm nay và những thế hệ sinh ra trong tương lai xin hứa trước hương hồn thiêng liêng của các anh và các bậc tiền nhân rằng chúng tôi sẵn sàng hi sinh tất cả vì sự toàn vẹn lãnh thổ mà các bậc tiền nhân để lại bởi mỗi tấc đất quê hương đều thấm máu của những người anh hùng. Đất nước Việt Nam phải một dải. Lãnh thổ Việt Nam phải vẹn toàn. Đó là chân lý ngàn đời không bao giờ thay đổi.
Chúng ta hãy xin một lần nữa nghiêng mình trước hương hồn thiêng liêng của các anh. Xin chia buồn cùng gia đình Liệt sĩ Đặng Hoàng Hùng, Phạm Văn Thế, Đỗ Khánh Hưng và cầu cho linh hồn các anh tịnh độ.
Chúng tôi biết từ dưới suối vàng, các anh vẫn đồng hành cùng chúng tôi trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét