QĐND - Trong những ngày gần đây, nhiều trang mạng trong và ngoài nước dấy lên đòi hỏi Nhà nước ta thực hiện quyền con người (QCN). Người ta kêu gọi: “Chính quyền… thực thi những QCN đã được Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam và những Công ước quốc tế nhân quyền mà Việt Nam tham gia”. Trong những quyền đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin, quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo Điều 69, Hiến pháp năm 1992 và “Điều 19, Điều 21, Điều 22 Công ước quốc tế nhân quyền, năm 1966, mà Việt Nam gia nhập năm 1982”.
Có người còn đưa ra “sáng kiến” k?ý tên vào “Lời kêu gọi Quốc hội Việt Nam” đòi hủy bỏ Điều 88 Bộ luật Hình sự về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” và Nghị định 38/2005/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng”. Những hoạt động trên mạng này đã được nhiều phương tiện truyền thông phương Tây đăng tải và “tăng âm”, khiến một số người nghi ngờ về hệ thống pháp luật và bản chất của chế độ ta.
Theo họ, Điều 88 Bộ luật Hình sự “Quy định một cách mù mờ về tội danh tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, thực chất là bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận”, là “gây nguy hiểm cho trí thức”…
Vậy nội dung và thực chất Điều 88, Bộ luật Hình sự như thế nào?
Điều 88 quy định như sau: “Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam… bao gồm:
a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân; c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước CHNXHCN Việt Nam.
Cũng trên những trang mạng đã đưa tin này, người ta nhắc lại nhiều bản án đã tuyên như vụ án Cù Huy Hà Vũ, vụ án “Câu lạc bộ nhà báo tự do” để làm bằng chứng.
Để làm rõ vấn đề này, trước hết cần nhận rõ sự thống nhất và khác biệt giữa quyền công dân (QCD) và QCN.
Dựa trên Bản “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người”, 1948 và “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, 1966"; “Công ước quốc tế về các quyền Kinh tế, xã hội và văn hóa, 1966”[1] có thể hiểu QCN như sau: Với tư cách là một giá trị đạo đức, QCN là một giá trị xã hội cơ bản, vốn có của con người. Những giá trị này bao gồm: Nhân phẩm, tự do, bình đẳng, tinh thần nhân đạo, khoan dung và trách nhiệm của mỗi người với cộng đồng. Với tư cách là một giá trị pháp lý, QCN là các quy định pháp luật (trong luật quốc tế và còn được nội luật hóa trong luật quốc gia) nhằm bảo vệ nhu cầu về các mặt: Dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của mọi người và nghĩa vụ của mỗi người đối với cộng đồng.
So với khái niệm QCN, khái niệm QCD mang tính xác định hơn. Khái niệm này gắn liền với chế độ xã hội, những đặc thù về lịch sử, văn hóa của mỗi dân tộc. Trong Hiến pháp Việt Nam cũng như Hiến pháp của nhiều quốc gia khác, QCD thường được gắn liền với nghĩa vụ công dân, hình thành khái niệm Quyền và nghĩa vụ công dân (Q&NVCD) được quy định trong pháp luật quốc gia.
Vấn đề bảo vệ chế độ chính trị, giữ ổn định xã hội đã được các quốc gia trong cộng đồng quốc tế quan tâm từ lâu. Tại “Hội nghị quốc tế về quyền con người” ở Viên (Áo), năm 1993, đại diện các quốc gia đã ra Tuyên bố khẳng định: "Tất cả các QCN đều mang tính phổ cập…Trong khi phải luôn ghi nhớ ý nghĩa của tính đặc thù dân tộc và khu vực và bối cảnh khác nhau về lịch sử, văn hóa và tôn giáo;…”[2].
Trong “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, năm 1966" nhiều quyền và tự do của con người cũng bị hạn chế, trong đó có Điều 19. Điều này quy định: …“2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận… Việc thực hiện những quyền quy định ở mục 2 của điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt, để: a) Tôn trọng các quyền và uy tín của người khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”[3].
Không phủ nhận rằng Việt Nam đã trở thành thành viên của Công ước này từ năm 1992, song điều đó không có nghĩa Việt Nam không có quyền đưa ra những hạn chế luật định về quyền tự do ngôn luận. Do đó Điều 88, Bộ luật Hình sự, 1999 là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với “Tuyên bố Viên và chương trình hành động; phù hợp với “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966”.
Không chỉ trong pháp luật Việt Nam mà trong pháp luật của nhiều quốc gia, trong đó có cả những quốc gia phương Tây đã đưa ra những quy định hạn chế quyền tự do ngôn luận, báo chí và tự do internet. Những quy định này tùy thuộc vào tình hình chính trị xã hội và quan điểm của những quốc gia đó.
Ngày nay, trong khi đánh giá cao vai trò của internet, người ta cũng thấy rõ những mặt trái của nó. Quan điểm cực đoan về tự do ngôn luận, báo chí của phương Tây đã phải trả giá đắt. Chẳng hạn những vụ việc được các phương tiện truyền thông đưa tin như vụ một mục sư đạo Tin lành Mỹ đòi đốt kinh Cô-ran, vụ việc lính Mỹ đốt kinh Cô-ran ở Áp-ga-ni-xtan, vụ họa sĩ Đan Mạch vẽ tranh biếm họa và bộ phim được cho là báng bổ nhà tiên tri Mô-ha-mét được sản xuất ở Mỹ năm ngoái…, về khách quan đã “kích hoạt” những mâu thuẫn xã hội, làm cho sự bất bình của một bộ phận nhỏ dân cư bùng lên trở thành bạo loạn xã hội.
Ở Việt Nam, trên một số trang mạng, với những lý do khác nhau, người ta không chỉ tuyên truyền, áp đặt các quan điểm dân chủ, nhân quyền ngoại nhập, mà còn xuyên tạc chủ trương, chính sách; bôi nhọ, vu cáo trắng trợn Đảng và Nhà nước, thậm chí xuyên tạc lịch sử Cách mạng Việt Nam, xúc phạm lãnh tụ. Đó là chưa kể người ta còn khuyến khích những phần tử cực đoan trong tôn giáo, dân tộc thiểu số gây rối, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đòi thành lập nhà nước riêng (nhà nước Đề-ga, nhà nước H‘Mông) trong lòng nước CHXHCN Việt Nam.
Kêu gọi xóa bỏ Điều 88 Bộ luật Hình sự, 1999 chính là một bước đi quan trọng trong âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm của các thế lực thù địch nhằm tước bỏ công cụ pháp lý cơ bản bảo vệ chế độ xã hội và Nhà nước của nhân dân ta.
Không phủ nhận rằng ở Việt Nam còn nhiều vấn đề xã hội phải giải quyết, thậm chí có những bức xúc xã hội, nhất là tình trạng phân hóa giàu nghèo, “lợi ích nhóm”, tình trạng có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống như Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ ra.
Hoàn thiện thể chế, mở rộng hơn nữa các quyền tự do dân chủ của nhân dân, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, tăng cường quyền được thông tin, quyền giám sát, quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội của người dân là một yêu cầu tất yếu, để phát triển mọi mặt xã hội ta. Đồng thời đó cũng là biện pháp cơ bản để chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, công chức trong bộ máy của Đảng và Nhà nước.
Khắc phục những mặt tiêu cực này là một công việc lớn lao, phức tạp, lâu dài, không thể làm trong một sớm, một chiều. Việc Đảng và Nhà nước ta đã và đang làm, như tiếp tục triển khai Nghị quyết Trung ương 4, lấy ý kiến nhân dân để sửa đổi Hiến pháp 1992 đều hướng tới mục tiêu nói trên.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chính trị hiện nay, chúng ta không thể xem nhẹ âm mưu, thủ đoạn lợi dụng những quyền tự do ngôn luận, báo chí nhằm làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với chế độ, gây mất ổn định chính trị, từng bước đi đến xóa bỏ chế độ ta xã hội XHCN và Nhà nước của nhân dân ta.
[1] - Trung tâm nghiên cứu quyền con người, “ Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người”. HN, 2002, Tr 28, 249, 284
[2] - Trung tâm nghiên cứu quyền con người, “Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người”. HN, 2002. Tr 44
[3] - Trung tâm nghiên cứu quyền con người, “Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người”. HN, 2002. Tr 259
ĐỨC GIANG - Báo QĐND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét