Ngày 18-12, Ðại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã gửi thông cáo tới giới truyền thông phê phán việc cơ quan chức năng Việt Nam không cho Huỳnh Trọng Hiếu xuất cảnh đi Mỹ để nhận giải thưởng do Tổ chức nhân quyền thế giới trao cho cha và chị gái là Huỳnh Ngọc Tuấn, Huỳnh Thục Vy. Thông tin trên lập tức được một số cơ quan truyền thông nước ngoài và các thế lực thù địch lợi dụng để vu cáo Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam về vấn đề dân chủ, nhân quyền. Vậy thực chất của sự kiện này là gì?
Nhân quyền kiểu Mỹ - Rác rưởi vẫn mãi là rác rưởi
Ngày 20-12-2012, Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) ra thông cáo báo chí về việc HRW trao "Giải nhân quyền Hellman/Hammett" cho 41 người ở 19 quốc gia. Trong danh sách có năm công dân Việt Nam, gồm: Huỳnh Ngọc Tuấn, Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Hữu Vinh, Phạm Minh Hoàng, Vũ Quốc Tú - những cái tên mà người quan tâm đều biết họ là các blogger "tích cực" viết bài trên các blog cá nhân và các trang web có tính chất chống đối, cũng như trả lời phỏng vấn trên một số cơ quan truyền thông nước ngoài như BBC, RFA, VOA,... mà trong đó chủ yếu là xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, kích động chống phá Nhà nước.
Tiền thân của HRW là tổ chức Helsinki Watch do Robert L.Bernstein thành lập năm 1978 với mục đích "giám sát" Liên Xô (trước đây) bằng cách thu thập tư liệu liên quan tới việc Liên Xô thực hiện quy ước của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), hỗ trợ các nhóm bảo vệ nhân quyền tại nước này. Năm 1988, Helsinki Watch hợp nhất với một số tổ chức quốc tế khác cùng tôn chỉ, mục đích, từ đó đổi tên thành Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW). Tuy nhiên, hoạt động của HRW đang đi lệch tôn chỉ, mục đích ban đầu và trở thành "con rối" đội lốt nhân quyền phục vụ mục đích chính trị. Nhiều năm qua, lợi dụng chiêu bài hoạt động bảo vệ "dân chủ, nhân quyền" theo tiêu chí phương Tây, HRW đưa ra nhiều thông tin sai sự thật khi đánh giá về tình hình "dân chủ, nhân quyền" ở nhiều quốc gia, gây phản ứng trong dư luận quốc tế. Tổ chức này ngày càng phải chịu nhiều chỉ trích từ chính phủ các nước, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan, trong đó có cả ý kiến của người sáng lập HRW là cựu Chủ tịch Robert L.Bernstein khi ông này cho rằng: HRW có phương pháp nghiên cứu sai lầm, cung cấp thông tin thiếu chính xác, hoặc không thể kiểm chứng. Thậm chí, Chính phủ Venezuela còn cáo buộc HRW từng bị chính quyền Bush thao túng vì mục đích chính trị. Ðối với Việt Nam, HRW thường tuyên truyền, xuyên tạc tình hình nhân quyền qua báo cáo nhân quyền thường niên, các thông cáo báo chí, gửi thư tới lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ Việt Nam và một số cơ quan, tổ chức quốc tế. Ðiều đáng nói là HRW không dựa vào khảo sát thực tế mà chỉ cóp nhặt thông tin sai sự thật, một chiều và có dụng ý xấu về tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam do các thế lực thù địch với Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam phát tán trên internet hoặc rêu rao trên một vài tờ báo lá cải ở nước ngoài.
"Giải nhân quyền Hellman/Hammett" do HRW lập ra cách đây 23 năm, với mục đích hỗ trợ về tài chính cho các nhân vật được gán cho cái mác "nhà văn đấu tranh cho nhân quyền phương Tây". Giải thưởng này được đặt theo tên của nhà viết kịch người Mỹ là Lillian Hellman và bạn của bà, tiểu thuyết gia Dashiell Hammett. Trong 23 năm qua, HRW đã trao giải cho hơn 750 "nhà văn" ở 92 quốc gia với mỗi giải thưởng trị giá khoảng 10 nghìn USD. Hơn 10 năm trở lại đây, HRW dần dà lái việc trao "giải" cho cả những nhân vật chống chính quyền, gây mất an ninh trật tự ở Việt Nam. Thực chất đây chính là màn kịch do HRW dựng lên để hậu thuẫn tài chính, kích động một số đối tượng chống Nhà nước Việt Nam. Những nhân vật là người Việt Nam được HRW chọn trao "Giải nhân quyền Hellman/Hammett" đều là các đối tượng có "thâm niên" trong hoạt động chống đối chế độ, kích động hận thù, gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc. Trong số họ, chẳng có người nào là "nhà văn" như tiêu chí để xét trao "Giải thưởng nhân quyền Hellman/Hammett". Ðiểm chung nhất của những người này là bán rẻ danh dự, nhân phẩm, tự nguyện trở thành công cụ trong tay thế lực xấu để chống phá đất nước, chống phá chế độ.
Nổi bật trong năm người Việt Nam được HRW "vinh danh" vào năm 2012 là Phạm Minh Hoàng - nhân vật trung thành với tổ chức khủng bố "Việt Tân". Trong thời gian du học tại Pháp, Phạm Minh Hoàng đã được kết nạp vào "Việt Tân". Năm 2000, Hoàng trở về Việt Nam và được Ðại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh ký hợp đồng làm giảng viên môn khoa học ứng dụng. Tuy nhiên, Hoàng vẫn giữ liên lạc thường xuyên với "Việt Tân". Từ năm 2002 tới 2010, với bút danh Phan Kiến Quốc, Phạm Minh Hoàng viết 33 bài có nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước. Bài viết của Hoàng được "Việt Tân" nhanh chóng đăng tải, phát tán trên internet. Không chỉ viết bài xuyên tạc sự thật, trong tháng 11-2009, sau khi tham dự lớp tập huấn tại nước ngoài của "Việt Tân", Hoàng còn cùng vợ là Lê Thị Kiều Oanh, em trai là Phạm Duy Khánh, cùng một số Việt kiều khác đứng ra tổ chức hai khóa học mang tên "kỹ năng phần mềm" cho 43 thanh niên, sinh viên, nữ tu tại TP Hồ Chí Minh với nội dung tuyên truyền, lôi kéo, tập hợp lực lượng cho "Việt Tân" để chống phá Nhà nước.
Cùng với Phạm Minh Hoàng, Huỳnh Ngọc Tuấn và con gái Huỳnh Thục Vy (thường trú tại Tam Kỳ - Quảng Nam) cũng liên tục viết bài rêu rao trên các blog, các trang web và báo đài phản động, xuyên tạc lịch sử, bóp méo thực tế phát triển kinh tế - xã hội và tiến bộ nhân quyền tại Việt Nam. Năm 1992, Huỳnh Ngọc Tuấn bị Tòa án nhân dân phạt 10 năm tù về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Mãn hạn tù, Tuấn không những không ăn năn hối cải mà còn lôi kéo hai con ruột là Huỳnh Thục Vy, Huỳnh Trọng Hiếu đi theo vết xe đổ của mình. Ngày 2-12-2011, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký ba quyết định xử phạt ba cha con Huỳnh Ngọc Tuấn 270 triệu đồng, vì đã có hành vi vi phạm hành chính về công nghệ thông tin. Tuy nhiên, đến nay, ba đối tượng này vẫn ngoan cố không chịu thi hành quyết định. Bên cạnh việc viết bài kích động chống phá Nhà nước, Huỳnh Ngọc Tuấn và hai con còn bày tỏ thái độ chống đối, như không đi bầu cử Quốc hội khóa XII (năm 2005), bầu cử Quốc hội khóa XIII (năm 2011). Khi tổ công tác đến nhà vận động đi bầu cử, thì bị Tuấn và gia đình xúc phạm. Ngoài ra, ba cha con Tuấn còn ghi vào thẻ cử tri chữ "NO!"; sau đó, chụp ảnh đăng tải trên internet và trả lời phỏng vấn của báo chí nước ngoài với nội dung xuyên tạc bầu cử Quốc hội ở nước ta. Vừa qua, do hành động chống phá Nhà nước, vi phạm pháp luật của cha con Huỳnh Ngọc Tuấn, nên ngày 16-12-2012, Huỳnh Trọng Hiếu sang Mỹ để thay mặt bố và chị gái nhận "Giải nhân quyền Hellman/Hammett", đã bị cơ quan chức năng tại sân bay Tân Sân Nhất (TP Hồ Chí Minh) không cho xuất cảnh. Ngay sau đó, Ðại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP Hồ Chí Minh ra tuyên bố bày tỏ "quan ngại", và kêu gọi Việt Nam bãi bỏ hạn chế đi lại đối với Huỳnh Trọng Hiếu... Lập tức, mấy cơ quan truyền thông như VOA, RFA, BBC,... đều đồng loạt đưa tin, nhân sự việc này vu cáo Việt Nam tiếp tục vi phạm các quyền tự do cơ bản!
Những năm qua, với tinh thần mở cửa và hội nhập, Việt Nam luôn luôn tạo điều kiện để công dân Việt Nam được xuất cảnh đi nước ngoài vì mục đích thăm nom người thân, du lịch, học tập, hay đầu tư, kinh doanh, định cư nhân đạo,... Tuy nhiên, để bảo đảm an ninh quốc gia, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, công dân Việt Nam, pháp luật Việt Nam cũng cấm xuất cảnh đối với các đối tượng "đang phải chấp hành án hình sự, dân sự, các quyết định xử phạt hành chính; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang bị truy cứu về trách nhiệm dân sự, hành chính". Huỳnh Trọng Hiếu là đối tượng đang trong thời gian thi hành quyết định xử phạt hành chính của UBND tỉnh Quảng Nam, do đó việc cơ quan chức năng Việt Nam cấm xuất cảnh đối với đối tượng này là phù hợp với quy định của pháp luật. Ðáng tiếc là Ðại sứ quán Mỹ tại Việt Nam lại không quan tâm tới điều này. Việc tặng "Giải nhân quyền Hellman/Hammett" cho năm nhân vật đã và đang có hành vi tuyên truyền, kích động chống đối Nhà nước Việt Nam, HRW đã khuyến khích, cổ súy cho hoạt động gây mất ổn định an ninh chính trị ở một đất nước có chủ quyền. Và tuyên bố của Ðại sứ quán Mỹ tại Việt Nam là can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền, phải chăng là sự nối dài của thói quen áp đặt "tiêu chuẩn kép" về dân chủ, nhân quyền đối với các nước khác?
LAM SƠN-Theo Báo điện tử Nhân dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét