Trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch đã và đang sử dụng mọi thủ đoạn thâm độc. Trong đó, lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vu cáo, xuyên tạc Nhà nước ta vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp tôn giáo, hòng tạo phản ứng tiêu cực trong một bộ phận chức sắc và tín đồ tôn giáo là một thủ đoạn mà chúng thường dùng. Việt Nam là một trong những nước bị chỉ chích nặng nề. Chúng áp đặt, đòi hỏi một “tiêu chuẩn kép” về dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo; vẫn một thủ đoạn xuyên tạc, bôi đen một cách thô thiển bất chấp thực tế về những thành tựu to lớn của Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền, tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Đằng sau vấn đề này mục đích của các nhà “dân chủ” Mỹ và phương Tây ở đây là gì? Phải chăng là vì quyền con người, vì đối thoại xây dựng? Những hành động thực tế của họ đã cho câu trả lời là không! Nói một cách rõ ràng hơn, thực chất là họ lợi dụng nhân quyền, tự do tôn giáo như một công cụ chính trị nhằm bôi đen, hòng xóa bỏ chế độ chính trị ở các nước không thân thiện, gây áp lực để bảo vệ lợi ích và sự thống trị toàn cầu của Mỹ.
Chúng ta đều biết, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người, được ghi nhận tại Điều 18 trong Tuyên ngôn nhân quyền toàn thế giới năm 1948 và được phát triển đầy đủ hơn trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 của Liên hợp quốc. Theo đó, mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo; không một ai bị ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn một tôn giáo, một tín ngưỡng; quyền tự do thực hành tôn giáo, tín ngưỡng có thể bị giới hạn… Như vậy, theo quan điểm của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, mặc dù là một quyền cơ bản của con người, nhưng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không phải là tuyệt đối, mà là một quyền có giới hạn. Ở tất cả các nước, các loại hình tổ chức tôn giáo đều được tự do hoạt động nhưng phải trong giới hạn của hiến pháp và pháp luật. Mọi hành vi hoạt động tôn giáo gây hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, vi phạm đạo đức và các quyền của người khác…, đều bị cấm và nghiêm trị theo pháp luật. Những tổ chức hoạt động mê tín dị đoan, giả danh tôn giáo, giáo phái cực đoan đều không được thừa nhận có tư cách và quyền như một tôn giáo. Hầu hết các quốc gia trong cộng đồng quốc tế đều ghi nhận và thực hiện quyền này trong hiến pháp, pháp luật của mình.
Đối với nước ta, Điều 70 Hiến pháp năm 1992 nêu rõ: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004, Nghị định số 22/NĐ-CP, ngày 11-5-2005 của Chính phủ và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác đã quán triệt và thể chế hóa đầy đủ những quan điểm, chủ trương, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay. Các quy định pháp lý đó không những phù hợp với tinh thần và nội dung tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, mà còn đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, củng cố niềm tin, tạo động lực để đồng bào các tôn giáo “đồng hành cùng dân tộc”, “sống tốt đời, đẹp đạo”, góp phần quan trọng vào củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, với mục tiêu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN ở Việt Nam, các thế lực thù địch trong và ngoài nước mưu toan phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, chia rẽ các tôn giáo, chia rẽ người có đạo và người không có đạo. Chúng xuyên tạc, vu cáo, bôi đen tình hình nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam ; tung ra nhiều luận điệu xằng bậy: “ở Việt Nam không có tự do tôn giáo”, Đảng Cộng sản “vô thần” chủ trương xóa bỏ tôn giáo. Gần đây, khi một số đối tượng lợi dụng tự do tôn giáo để hoạt động chống phá chính quyền, vi phạm pháp luật, bị cơ quan chức năng Việt Nam xử lý theo quy định của pháp luật thì họ tìm cách xuyên tạc, vu cáo Nhà nước Việt Nam “đàn áp tôn giáo”, “bóp nghẹt tôn giáo”, “bắt giam các nhà tu hành vì lý do tôn giáo”, v.v.
Quan điểm nhất quán của Đảng ta về tín ngưỡng, tôn giáo đã khẳng định: Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính sách, pháp luật của Nhà nước ta về tín ngưỡng, tôn giáo đã xác định rõ quyền hạn hoạt động của các tổ chức, cá nhân các tôn giáo trong việc quản đạo, hành đạo, truyền đạo; nơi thờ tự của các tôn giáo được Nhà nước bảo hộ; việc thành lập tổ chức tôn giáo phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phải đúng quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức, văn hóa và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với các tổ chức tôn giáo và hoạt động tôn giáo được quy định cụ thể và hết sức rõ ràng, theo hướng tích cực cải cách thủ tục hành chính về thời gian, trình tự thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo hoạt động. Không chỉ được thể hiện bằng các quan điểm, chính sách mà trên thực tế, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi công dân, của mọi tổ chức tôn giáo chân chính với hàng chục triệu tín đồ trên cả nước luôn được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền quan tâm, tôn trọng và tạo điều kiện hoạt động, phát triển. Ở Việt Nam, không có bất kỳ ai bị bắt, giam giữ hoặc kiểm soát, truy bức vì lý do tôn giáo; những người theo tín ngưỡng, tôn giáo được tự do sinh hoạt, thờ cúng, tiến hành các nghi lễ tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật. Đó là sự thật không thể chối cãi, phủ nhận và trên thực tế đã và đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ trên dải đất hình chữ “S”.
Không phủ nhận rằng, hoạt động tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo vẫn còn bất cập, hạn chế ở một vài địa phương trong một số vụ, việc cụ thể; nhưng về cơ bản, lãnh đạo các chức sắc tôn giáo tại Việt Nam và đông đảo những người có lương tri trên thế giới đến thăm Việt Nam đều thừa nhận những thành tựu to lớn của nước ta trên lĩnh vực tôn giáo.
Quyền tự do theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào của công dân được quy định rõ ràng trong hệ thống pháp luật Việt Nam và được đảm bảo trên thực tế. Đó là điều mà Nhà nước Việt nam luôn khẳng định. Mục đích của hoạt động tôn giáo và công tác tôn giáo ở Việt Nam là tăng cường đoàn kết toàn dân tộc, huy động sức mạnh toàn dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Những ai không xuất phát từ lý do tôn giáo, vì mục đích tôn giáo, mà lợi dụng tôn giáo để gây mất ổn định xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc là vi phạm pháp luật Việt Nam và họ sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành vi của mình.
Vân Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét