Mực tàu - Sau khi trúng cử vào Nhà Trắng lần thứ hai, Tổng thống Mỹ Truman đề ra học thuyết mang tên mình. Học thuyết Truman, coi Liên Xô là đối tượng chủ yếu và lập luận rằng "một số phong trào cách mạng giải phóng dân tộc cũng là tay sai của cộng sản do Moscow điều khiển, sử dụng chiêu bài dân tộc để bành trướng chủ nghĩa cộng sản". Do vậy, chiến lược của Mỹ là phải bao vây và ngăn chặn Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa đồng thời phải chống những phong trào giải phóng dân tộc do những người cộng sản lãnh đạo và ủng hộ những phong trào dân tộc không theo chủ nghĩa cộng sản như các phong trào ở Nam Á, Trung Đông, Đông Nam Á, Đông Bắc Á... Để củng cố lực lượng đồng minh của Mỹ, học thuyết Truman chấp nhận kế hoạch Marshall ở châu Âu. Kế hoạch Marshall do Marshall, quốc vụ khanh Mỹ nêu ra ngày 5-6-1947, nhằm khôi phục lại châu Âu bằng viện trợ Mỹ. Các nước Anh, Pháp, Bỉ, Áo, Hà Lan, Luxembourg, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Ailen, Thụy Sĩ, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ,… đã tiếp nhận với điều kiện giành cho Mỹ những đặc quyền kinh tế theo yêu cầu của Mỹ, ủng hộ chiến lược ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Harry S.Truman người mở đầucan thiệp của Mỹ vào Việt Nam qua viện trợchiến phí cho Pháp |
Thực tế từ năm 1947, Mỹ đã viện trợ cho Pháp theo kế hoạch Marshall và Pháp đã dùng một phần viện trợ đó vào cuộc chiến tranh Đông Dương. Báo chí Mỹ cho biết: năm 1947 Chính phủ Truman đã cho Pháp vay 160 triệu đôla để mua xe cộ và một số thiết bị liên quan cho chiến trường Đông Dương. Trong văn kiện NSC51 của Bộ Ngoại giao Mỹ gửi Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ (ngày 1-7-1949) có xác nhận, trong năm 1948 khoảng 100.000 quân Pháp với trang bị của Mỹ... đang ở Đông Dương.
Từ cuối năm 1949, khi bối cảnh thế giới đã bắt đầu trở nên căng thẳng, Mỹ chính thức cam kết dính líu vào cuộc chiến tranh của Pháp ở Việt Nam chống lại lực lượng Việt Minh bằng một loạt bước đi liên tiếp: tháng 10-1949, Mỹ cử phái đoàn đầu tiên gồm các đại biểu Quốc hội và cán bộ ngoại giao đến Đông Nam Á, rồi đến Sài Gòn nghiên cứu tình hình. Ngày 28-11-1949, Washington chính thức mời đại diện của Chính phủ Quốc gia Việt Nam sang thăm Mỹ. Bảo Đại cử Bửu Lộc, Chánh văn phòng của Chính phủ Bảo Đại, sang Mỹ.
Trong văn kiện của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC.51) do Tổng thống Truman phê chuẩn ngày 30-12-1949, nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn sự Việt Minh ở Đông Dương bằng sự trợ giúp về chính trị, viện trợ kinh tế và quân sự cho Pháp. Giới chiến lược quân sự Mỹ phát hiện thấy lúc này hướng yếu nhất trong chiến lược của Mỹ ở châu Á là Đông Nam Á, một khu vực rộng lớn tiếp giáp với Trung Quốc ở phía nam. Bởi vì “Đông Nam Á có tầm quan trọng về chiến lược, nó kiểm soát cửa ngõ ra vào giữa hai biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”, “Đông Nam Á rất quan trọng đối với Mỹ”…
Sau khi Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ đưa ra ý kiến viện trợ quân sự cho chính quyền Quốc gia Việt Nam thông qua Pháp (ngày 27-2-1950) được Hội đồng tham mưu trưởng liên quân ủng hộ, Mỹ đã để lộ ý đồ muốn ủng hộ Quốc gia Việt Nam bằng cách viện trợ quân sự thẳng cho chính quyền này không thông qua Pháp. Mâu thuẫn giữa Pháp và Mỹ trong chiến tranh Đông Dương lúc này đã bộc lộ công khai và có phần gay gắt.
Máy bay C-119 của Mỹ đang thả lính dù Pháp tại trận Điện Biên Phủ năm 1954 |
Từ tháng 7-1950 đến 1-1-1952, Mỹ đã cung cấp cho Pháp gần 300 triệu đôla vũ khí và trang bị quân sự. Tại hội nghị tay ba Mỹ, Pháp, Anh họp ở Paris bàn về các vấn đề Đông Nam Á ngày 28-5-1952, Ngoại trưởng Mỹ Akison nói từ tháng 6-1951 đến tháng 6-1952, Mỹ đã gánh chịu một phần ba (1/3) chi phí cho cuộc chiến tranh của Pháp và Quốc gia Việt Nam ở Đông Dương. Và từ hội nghị này, Mỹ đồng ý tăng thêm 150 triệu đôla trong tài khoá 1952-1953 viện trợ quân sự cho Pháp và Quốc gia Việt Nam. Le Tourneau, đại diện Chính phủ Pháp xác nhận sáu tháng tới viện trợ quân sự Mỹ sẽ chiếm tỷ lệ 40% chi phí chiến tranh ở Đông Dương.
Đến cuối chiến tranh, Mỹ đã cáng đáng 78% chi phí chiến tranh, lên đến trên 1,5 tỷ USD. Đa phần các vũ khí mà quân đội Việt Nam tịch thu được cho đến thời điểm này chính là vũ khí của Mỹ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Mỹ đã trực tiếp chở khoảng 16 ngàn quân Pháp vào Điện Biên Phủ và hỗ trợ không quân cho Pháp.
Nhưng cuối cùng, công thức viện trợ Mỹ - viễn chinh Pháp – quân bản xứđã phá sản trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương của thực dân Pháp. Pháp đành phải ngồi vào bàn đàm phán tại hội nghị Giơ ne vơ về Đông Dương, công nhận nền độc lập của 3 xứ Đông Dương, rút quân trong 2 năm, ấn định tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam vào năm 1956.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhìn thấy ý đồ của Mỹ ngay từ cuối cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau đại thắng Điện Biên Phủ, trong khi quân dân và cán bộ đảng viên ai nấy đều vui mừng phấn khởi thì Bác Hồ lại ưu tư và cẩn thận nhắc nhở đại ý: Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Hội nghị ký hiệp định Genève thành công, nhưng chắc chắn sẽ làm cho người Việt Nam chưa vừa ý. Người Pháp có câu “Ai trả tiền, kẻ đó là chủ”. Mỹ sẽ thay thế Pháp, chúng ta phải có sự chuẩn bị để đối phó với Mỹ!
Đến tháng 7 năm 1954, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 họp trước khi Hiệp định Genevè được ký kết mấy ngày, thì lúc đó Đảng và Bác Hồ đã đi tới kết luận: Đế quốc Mỹ đang trở thành kẻ thù chính trực tiếp của nhân dân Đông Dương.
Từ đó, Đảng và Bác Hồ đã xác định đường lối cách mạng trong giai đoạn này như sau: Tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền nhằm mục tiêu chung là chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước.
Ngày 23 tháng 7 năm 1954, nội dung văn bản hiệp định được các Đảng bộ miền Nam phổ biến cho đồng bào: Việt Nam được hội nghị quốc tế long trọng công nhận độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng trước mắt đất nước phải tạm chia thành hai vùng tập kết quân sự. Miền Bắc đến vĩ tuyến 17 được hoàn toàn độc lập. Miền Nam còn thuộc quyền quản lý của Pháp. Quân đội mỗi bên phải tập kết về vùng của mình quản lý. Sau 2 năm Pháp sẽ rút đi hết và dân Việt sẽ tổ chức tổng tuyển cử trên cả nước để thực hiện thống nhất. Trong thời gian chờ tuyển cử, cấm mọi phân biệt đối xử, trả thù những người đã tham gia phía đối lập, mỗi bên phải bảo đảm thực hành tự do, dân chủ, cải thiện dân sinh.
Các công sở ngụy quyền và các sĩ quan, binh lính, tề, xã, ấp, nhân viên ngụy quyền của Pháp ở miền Nam thì vui mừng, vì họ thấy vẫn còn “giữ ghế” được, vẫn còn được an vị làm “phụ mẫu chi dân”, vẫn còn các đặc quyền đặc lợi.
Trong niềm vui chung hòa bình được lập lại thì nhiều người dân miền Nam không tránh khỏi nỗi lo: Hiệp định quy định rõ ràng như vậy nhưng liệu quân giặc có chịu thực hiện không? Vì bản chất của thực dân là vẫn vậy không thay đổi, “giang sơn dễ đổi, bản tính khó thay”.
Tại miền Nam, Mỹ nhận lấy chính quyền “Quốc gia Việt Nam” (État du Viêt Nam) của thực dân Pháp. Năm 1955, thay đổi người đứng đầu, đưa “thủ tướng” của “Quốc gia Việt Nam” là Ngô Đình Diệm lên thay Bảo Đại, đổi tên “Quốc gia Việt Nam” thành “Việt Nam Cộng hòa” (Republic of Vietnam), bắt đầu các chuỗi hành động hất cẳng quyền lực của Pháp ra khỏi miền Nam Việt Nam.
Đầu tiên là ngày 23/10/1955, Mỹ-Diệm dàn dựng cuộc “trưng cầu dân ý” gian lận. Cho cảnh sát gõ cửa từng nhà đe dọa và ép người dân đi bầu, bắt giam những người chống lại, cho dân Công giáo di cư 1954 (vốn nhiều người chống cộng và ủng hộ gia đình Diệm) đi đầu “bỏ phiếu” rồi quay phim chụp hình để quảng cáo hình ảnh Diệm với quốc tế.
Ngày 6 tháng 10, “thủ tướng Quốc gia Việt Nam” Ngô Đình Diệm tuyên bố quyết định mở cuộc “trưng cầu dân ý”. Các cơ quan truyền thông do Mỹ cấp chi phí và điều khiển cũng bắt đầu những chiến dịch tuyên truyền bôi bác Bảo Đại và ca ngợi “thủ tướng” Ngô Đình Diệm, với những khẩu hiệu phát đi phát lại như: “Phiếu đỏ ta bỏ vô bì – Phiếu xanh Bảo Đại ta thì vứt đi.
Đó là vì có 2 lá phiếu: Một xanh, một đỏ. Lá màu đỏ in hình Ngô Đình Diệm với câu: “Tôi bằng lòng truất phế Bảo Đại và nhìn nhận ông Ngô Đình Diệm làm Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam với nhiệm vụ thiết lập một chế độ dân chủ”. Lá xanh in hình Bảo Đại thì có câu: “Tôi không bằng lòng truất phế Bảo Đại và không nhìn nhận ông Ngô Đình Diệm làm Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam với nhiệm vụ thiết lập một chế độ dân chủ”.
Ngày 23 tháng 10 năm 1955, việc bỏ phiếu được diễn ra và trở thành trò hề vì ban tổ chức đã sắp xếp để Ngô Đình Diệm tuyệt đối thắng. Ngô Đình Diệm “đắc cử” với “98,2%” số phiếu. Đại tá CIA Edward Lansdale trước đó đã bảo Diệm rằng: “Trong lúc tôi đi vắng, tôi không muốn bỗng nhiên nhận được tin rằng ông thắng 99,99%. Vì nếu như thế thì biết đó là kế hoạch sắp đặt trước”.
Đại tá Lục quân Hoa Kỳ, tiến sĩ Spencer C. Tucker trong sách Encyclopedia of the Vietnam War (Bách khoa thư Chiến tranh Việt Nam) do ABC-CLIO xuất bản năm 2000 và sử gia Stanley A. Karnow trong sách Vietnam: A history (Việt Nam: 1 lịch sử) do Penguin Books xuất bản năm 1997, đã ghi nhận cái gọi là “trưng cầu dân ý” này còn có những gian lận vụng về lộ liễu khác, như ở Sài Gòn, Diệm công bố được “605.025″ phiếu trong khi khu vực này có chưa tới 450.000 cử tri ghi tên.
Sau khi hoàn thành vụ lừa đảo chính trị, Diệm công bố rằng có đến “98,2%” số phiếu ủng hộ ông ta, kết quả là Bảo Đại, tay sai trung thành của Pháp bị phế truất. Còn Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ lên đứng đầu và tự xưng là “tổng thống”. “Quốc gia Việt Nam” đổi tên thành “Việt Nam Cộng hòa”.
Ngày 13/1/1955, Diệm công bố chính thức trên truyền thông rằng Hoa Kỳ từ nay có toàn quyền về vấn đề tổ chức và huấn luyện quân đội Sài Gòn. Ngày 12/2/1955, trong một cuộc họp báo, Ngô Đình Diệm công bố từ nay trở đi tướng John O’Daniel sẽ huấn luyện cho các lực lượng quân đội.
Trước mặt đại diện Hoa Kỳ, các sĩ quan người Việt tổ chức đốt tượng trưng quân hàm, quân hiệu của quân đội Pháp mà họ vẫn đeo tại sân Bộ Tổng tham mưu. Thay vào đó là những phù hiệu kiểu mới của quân đội Mỹ.
Cuối tháng 4/1956, người lính Pháp cuối cùng rút khỏi miền Nam Việt Nam. Mỹ gây sức ép bắt Pháp bàn giao lại phi cơ, tàu thủy, xe cơ giới, dụng cụ chiến tranh cho quân đội ngụy đang được Mỹ tổ chức và huấn luyện.
Phái bộ huấn luyện quân sự hỗn hợp của Pháp – Mỹ (TRIM) trước đây đã chuyển thành “Phái bộ huấn luyện tác chiến lục quân” (CATO – Combat army training organization) gồm toàn người Mỹ. Tháng 9/1955 Mỹ chỉ có 351 sĩ quan chỉ huy ở miền Nam, đến tháng 3/1956 đã lên 1.550 người. Cơ quan trung ương của CATO do tướng Samuel Viliams quản lý, gồm 170 người: 3 cấp tướng, 49 đại tá, 68 trung tá, 50 thiếu tá phân ra nắm mọi ngành. Bên cạnh mỗi bộ tư lệnh quân khu có một đại tá và một số sĩ quan. Mỗi sư đoàn nặng có từ 6 đến 8 đại tá Mỹ, mỗi sư đoàn nhẹ có từ 3 đến 5 trung tá. “Cố vấn” Mỹ lúc này chỉ nắm cấp trung đoàn, chưa nắm cấp tiểu đoàn.
Tiếp tục lộ trình hất cẳng Pháp ra khỏi miền Nam Việt Nam, Mỹ bắt đầu từng bước gạt bỏ các lực lượng vũ trang thân Pháp, dùng “Quân lực Việt Nam Cộng hòa” diệt các lực lượng vũ trang giáo phái được Pháp mua chuộc, trả lương. Đồng thời cũng để làm sạch đi phần nào những vết nhơ, tai tiếng về quá khứ làm quan, làm “thủ tướng” cho thực dân Pháp của Diệm và gia đình.
Ngày 29 và 30/3/1955, Mỹ-Diệm cho một đại đội lính dù chiếm trung tâm cảnh sát, đẩy lùi quân Bình Xuyên thân Pháp của Bảy Viễn về phía Chợ Lớn. Đồng thời mua chuộc cảnh sát trưởng Lại Hữu Sang từng làm việc cho phòng nhì Pháp, và chấm dứt quyền kiểm soát của Pháp và Bình Xuyên đối với trung tâm cảnh sát.
Đối với liên minh Cao Đài, Mỹ-Diệm dùng đô la Mỹ chiêu hàng được Trịnh Minh Thế, rồi dùng ngay Trịnh Minh Thế để đánh bại Bình Xuyên, Bảy Viễn trốn sang Pháp sống lưu vong. Sau đó Mỹ-Diệm giết Trịnh Minh Thế vì cho rằng ông này “khó bảo” và “có tham vọng”.
Con trai Trịnh Minh Thế là ông Trịnh Minh Sơn ở Canada khi trả lời phóng viên Thời báo Asia là Sergei Blagov, tác giả của sách Honest Mistakes: The Life and Death of Trinh Minh The 1922-1955 (Sự sai lầm nhẹ dạ: Cuộc đời và cái chết của Trịnh Minh Thế 1922-1955) do Nova Science xuất bản năm 2001, trong bài “A tale of two assassinations: Vietnam’s JFK” (1 giai thoại của 2 cuộc ám sát: John F. Kennedy của Việt Nam) đăng trên Thời báo Asia (số 22/11/2003), đã cho biết cha của ông bị bắn 2 phát súng, chứ không phải 1 phát như thông tin chính thức mà giới truyền thông Mỹ và Sài Gòn đưa ra lúc bấy giờ. Ông cho biết cha ông đã bị ám sát để ngăn chặn khả năng ông ta trở thành một nhân vật nổi bật đủ sức thách thức vai trò đứng đầu của Diệm.
Đối với lực lượng Cao Đài Tây Ninh, Mỹ cũng nhanh chóng gây chia rẽ và mua được Nguyễn Thành Phương, Lê Văn Tất. Giáo chủ Cao Đài Tây Ninh là Hộ pháp Phạm Công Tắc không chịu cộng tác với Mỹ, đã cùng bộ sậu chạy sang Campuchia lánh nạn.
Ngày 6/5/1955, Mỹ-Diệm đưa quân ngụy đi tảo thanh tàn quân Bình Xuyên ở cầu Chữ Y, cầu Nhị Thiên Đường, Xóm Củi (Chợ Lớn), quân Bình Xuyên thua chạy về Gò Công và rừng Sác. Đến ngày 24/10/1955 thì lực lượng Bình Xuyên hoàn toàn bị tiêu diệt. Riêng quân Bình Xuyên do ông Bảy Môn chỉ huy thì trước đó đã được lực lượng kháng chiến chống Mỹ thuyết phục và đã sớm rút sang Thị Vải để dựa vào cách mạng và đồng bào chống Mỹ-Diệm. Con trai của Bảy Viễn là tham mưu trưởng lực lượng Bình Xuyên cũng tử trận trong chiến dịch này.
Tháng 5/1955, Mỹ-Diệm bắt đầu thanh toán Hòa Hảo. Lực lượng vũ trang Hòa Hảo đến thời điểm này đã có 3 nhóm độc lập với nhau là Trần Văn Soái (Năm Lửa), Lê Quang Vinh (Ba Cụt) và Hai Ngoán. Ngày 20/5/1955, quân ngụy dưới sự chỉ huy của các “cố vấn” Mỹ tập trung lực lượng tổng tấn công vào cả ba nhóm Hòa Hảo.
Ngày 29/5/1955 nhóm của Hai Ngoán sớm đầu hàng. Hai nhóm Năm Lửa và Ba Cụt thất thế liền trốn vào Đồng Tháp Mười lập căn cứ chống Mỹ-Diệm. Cả Năm Lửa và Ba Cụt đều cử người bắt liên lạc với cách mạng để tìm kiếm sự ủng hộ.
Đây là thời cơ để cách mạng duy trì mâu thuẫn giữa Mỹ – Pháp, giữa chính quyền Diệm với lực lượng Năm Lửa – Ba Cụt, kéo dài sự tranh giành đối kháng giữa hai phe thế lực này. Cách mạng đã cử cán bộ trực tiếp gặp Năm Lửa, Ba Cụt và một số viên chỉ huy khác để tranh thủ vận động họ cùng chống Mỹ, kẻ xâm lược mới.
Mùng 3 Tết Bính Thân năm 1956, do bị đánh quá ráo riết, Năm Lửa đem 4.000 quân đầu hàng Mỹ-Diệm. Lực lượng Ba Cụt ở Kiên Giang với nòng cốt là trung đoàn Lê Quang vẫn cố chống giữ.
Ngày 13/4/1956, Ba Cụt bị “phó tổng thống” Nguyễn Ngọc Thơ dùng tình bạn cũ lừa ra Cần Thơ để nhận chức trung tướng và bị Nguyễn Ngọc Thơ cho quân lính bắt ở Chắc Cà Đao. Đến ngày 13/7/1956 Ba Cụt bị xử chặt đầu ở Cần Thơ. Dân gian lúc đó đã ví von sự kiện này như câu chuyện Hồ Tôn Hiến lừa Từ Hải trong Truyện Kiều. Lực lượng vũ trang Hòa Hảo của Ba Cụt một số ra hàng Mỹ, số lớn tan rã, số còn lại khá đông theo về với cách mạng, gia nhập các lực lượng vũ trang kháng chiến.
Sau khi tận diệt Bình Xuyên và các giáo phái, Mỹ lúc này đã yên tâm và không còn phải lo người Pháp quay lại tranh giành với mình. Mỹ-Diệm chuyển sang bình định những vùng tạm chiếm, đàn áp những phong trào đấu tranh chính trị đòi thi hành hiệp định Genève về Đông Dương, hành quân càn quét khắp thôn làng, đánh phá cách mạng, củng cố sự chia đôi Việt Nam.