Chuyên cung cấp Đèn sưởi nhà tam giá ưu đãi tốt nhất thị trường.

Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

4000 TỈ GIÚP GÌ ĐƯỢC CHO HỌC SINH?

Mực tàu - Thời gian qua, trên các trang báo cũng như dư luận xã hội đang xôn xao bàn tán đề án của Sở GD-ĐT TP. HCM “Thí điểm mô hình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TPHCM năm học 2014 - 2015” được đề cập tại hội thảo “Sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng dành cho học sinh tiểu học lớp 1, 2, 3” diễn ra vào chiều 18/8 tại Sở GD-ĐT TP.HCM.

Theo đề này, TPHCM sẽ trang bị trên 337.500 máy tính bảng cho giáo viên và học sinh lớp 1, 2, 3 với tổng kinh phí thực hiện dự kiến là 4.000 tỷ đồng. Theo đó, lớp học sẽ được trang bị wifi, mỗi học sinh sử dụng một máy tính bảng riêng, trong đó cài đặt nội dung sách giáo khoa chính thức của Bộ GD-ĐT ở tất cả các môn học từ lớp 1 đến lớp 3 đã được số hóa theo công nghệ 3D, các em sẽ không còn phải cõng hàng núi sách tời trường nữa. Giáo viên sẽ sử dụng phần mềm để soạn giáo án, quản lý lớp học và có thể kiểm soát các em đang thao tác gì trên máy.

Đề án thí điểm thực hiện ngay trong năm học 2014 – 2015 trên khoảng 60% số lượng giáo viên và học sinh từ lớp 1 đến lớp 3. Tổng số máy tính bảng cần trang bị là 337.516 chiếc. Trong đó, nguồn ngân sách thành phố sẽ trang bị cho mỗi giáo viên một máy tính bảng, số lượng là 10.389 chiếc và 5.334 chiếc cho học sinh thuộc diện đối tượng chính sách. Học sinh không thuộc đối tượng chính sách thì phụ huynh chịu kinh phí hoàn toàn, số lượng là 321.793 chiếc, phụ huynh có thể trả góp tiền mua máy tính bảng trong 2 năm kể từ ngày bàn giao thiết bị cho học sinh.
 
Giáo viên, quản lý giáo dục TP. HCM thử nghiệm dạy học bằng sách giáo khoa điện tử được tích hợp trên máy tính bảng


Hiện nay, hệ thống giáo dục của chúng ta rõ ràng đang có vấn đề ở tất cả các cấp học, không chỉ một mà là rất nhiều vấn đề. Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà đang là mục tiêu mà chúng ta phấn đấu đạt được. Trong thời đại công nghệ số như hiện nay, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phục vụ cho giảng dạy là vấn đề cần thiết. Việc Sở GD-ĐT TP. HCM mạnh rạn đưa ra phương án đổi mới trên là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đề án này, mà chủ yếu là những ý kiến phản đối tính hiệu quả của nó và vì nó quá tốn kém. Rõ ràng trước đề án của Sở GD-ĐT TP. HCM đang đặt ra rất nhiều vấn đề:

Thứ nhất, việc tích hợp sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT trong phần mềm máy tính bảng cho học sinh có gì hơn so với việc dùng sách giáo khoa như hiện nay. Theo cá nhân tôi, để theo dõi bài giảng, để xem một bài văn, bài toán, hay bất cứ cái gì thì khi theo dõi trên sách bao giờ cũng dễ dàng hơn khi theo dõi trên máy tính bảng. Khi xem qua máy tính bảng học sinh chỉ có thể xem một hoặc hai trang liền kề nhau chứ không thể xem các trang ở vị trí khác nhau một cách dễ dàng được. Đó là chưa kể hiện nay việc đọc sách, báo đang giảm dần trong giới trẻ, chúng ta phải rèn luyện thói quen đọc sách cho các em ngay từ nhỏ chính từ việc sử dụng sách giáo khoa phổ thông.

Thứ hai, khi sử dụng máy tính bảng thường xuyên và lâu dài như vậy sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới các em, đặc biệt là mắt. Máy tính bảng có thể làm nhẹ cặp sách của các em, giảm nguy cơ còng lưng ở trẻ nhưng lại rất ảnh hưởng đến mắt nếu sử dụng thường xuyên và lâu dài. Mà đây là việc không thể tránh khỏi khi các em phải thường xuyên học bài ở lớp cũng như ở nhà. Đó là chưa kể tác hại của Wifi có thể gây ra, trong giờ học giáo viên có thể quản lý thao tác của học sinh nhưng thử hỏi trong giờ ra chơi, rồi ngoài giờ các em sử dụng như thế nào ai sẽ là người quản lý, trong khi trên mạng đang tràn ngập những thông tin nhạy cảm không phù hợp với lứa tuổi của các em.

Cứ tưởng tượng cảnh những cô cậu học trò đang ở lứa tuổi lên sáu lên bảy, suốt ngày chúi mắt chúi mũi vào thế giới ảo trên cái máy tính bảng thì liệu còn không cái nguyên lí mà Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 đã đề ra: “Hoạt động giáo dục phải được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn….”?

Thứ ba, đối tượng mà đề án hướng tới là các em học sinh lớp 1, 2, 3, lứa tuổi mà các em còn nhỏ nên chưa ý thức giữ gìn và bảo quản tài sản sao cho tốt. Cho nên việc để hỏng hóc là điều rất khó tránh khỏi. Trong khi đó máy tính bảng lại không phải rẻ tiền, không phải là quyển sách, quyển vở mà phụ huynh có thể sắm sửa ngay được.

Thứ tư, là về kinh tế, gánh nặng đề án, nếu được triển khai sẽ đè lên vai hàng vạn vạn người dân là những phụ huynh có con em đang theo học lớp 1,2,3 từ năm học này về sau. Bởi máy tính bảng không đơn giản để thay thế như một cuốn sách hay một cây bút bị hỏng hóc,  mất mát. Tất nhiên, vì con cái, nếu đề án được triển khai họ cũng sẽ phải thắt lưng, buộc bụng mua cho con mình nhưng thử hỏi như vậy có nên không?


Đổi mới giáo dục là cần thiết và là chủ trương chung của Đảng và Nhà nước ta. Chúng ta không tiếc tiền để đầu tư cho giáo dục, vì đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho mai sau. Nhưng điều quan trọng trong các đề án là tính hiệu quả và sự đồng thuận của xã hội. Một đề án đưa ra mà không đánh giá hết được hiệu quả cũng như mặt trái của nó thì không nên thực hiện. Dẫu biết sai thì sửa nhưng nước chúng ta còn nghèo, chúng ta không thể biết sai, cứ sai rồi lại sửa được. Do đó, Sở GD-ĐT TP. HCM phải trả lời cho phụ huynh, cho cả xã hội rõ, 4000 tỉ đồng sẽ giúp gì cho học sinh?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét