Mực tàu - Ở nước ta, học đại học vẫn đang là sự lựa chọn của hầu hết đối với học sinh sau khi tốt nghiệp THPT. Bất kể với lực học thế nào, thành thị hay nông thôn thì việc thi và học đại học vẫn đang là mơ ước của học sinh và phụ huynh
Áp lực này xuất phát từ đâu mà có?
Thứ nhất, là từ phía gia đình, có thể nói, với người Việt Nam ta, đánh giá một gia đình bao giờ cũng nhìn vào con cái, kiểu như: gia đình đấy có mấy đứa con học giỏi lắm; hay như: gia đình nhà bác là sướng nhất, con cái đứa nào cũng giỏi cũng thi đỗ đại học; hay như: gia đình nhà bác là nhất rồi, con cái đứa nào cũng đỗ đạt, làm gì có tiền của nào bằng... Thử hỏi, được nghe những lời khen đó, bố mẹ nào mà không mở mày, mở mặt.
Và cũng đúng thật, với bố mẹ, thì con cái luôn là niềm tự hào, con cái học giỏi đỗ đạt đó là niềm hạnh phúc của bố mẹ, đặc biệt là tại vùng quê, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, khi mà con đường học hành là con đường duy nhất để thoát nghèo. Thế cho nên mới có cảnh, bố mẹ chịu ăn cám để cho con được học hành, bố phải sống chui trong cống để kiếm tiền cho con ăn học.
Từ đó, vô hình chung, con cái như là thước đo để so sánh gia đình này với gia đình kia và bố mẹ nào cũng muốn "thước" của mình "dài hơn". Thế rồi, bắt đầu bắt ép con mình học ngày học đêm, hết học ở lớp rồi trung tâm, rồi thuê gia sư với hy vọng rằng "có công mài sắt, có ngày nên kim".
Bố mẹ giàu có thì tạo áp lực cho còn bằng cách bắt ép con cái phải học thật tốt cho bằng bạn bằng bè. Khi con cái học không tốt là bị trì triết, thậm chí còn bị đánh đập. Vì khi bố mẹ giàu có, có địa vị thì cũng phải yêu cầu con cái học sao cho thật tốt để cho bố mẹ được tự hào. Do đó, khi bị điểm kém hay khi thi trượt, con cái không dám thổ lộ với bố mẹ.
Bố mẹ nghèo cũng muốn dành tất cả cho con, làm mọi việc từ bé đến lớn để mong sao kiếm ít tiền vừa để cho con có thời gian học vừa để trang trải tiền học cho con. Với hy vọng mong sao cho con học hành đỗ đạt để có thể thoát ly, thoát khỏi cảnh đồng áng, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Chính sự hy sinh và hy vọng quá lớn của bố mẹ vô hình chúng đã tạo áp lực rất lớn cho những đứa con. Chúng cũng phải luôn cố gắng học tốt để không phụ lòng bố mẹ, chúng cũng muốn thi đỗ đại học cho bố mẹ vui lòng, nhưng nếu chẳng may không đỗ thì nhiều em sẽ rất chán, chán vì bản thân thì ít nhưng chán vì đã phụ lòng bố mẹ, vì sợ bố mẹ buồn thì nhiều. Chính vì vậy, mà có em sau khi biết mình không đỗ đã tìm đến cái chết.
Thứ hai, đó là áp lực từ phía nhà trường
Nhà trường không chỉ là nơi trang bị những kiến thức cho học sinh mà còn phải định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nhưng hiện nay các trường Trung học Phổ thông tại nước ta chủ yếu là "luyện" học sinh làm sao thi đỗ đại học chứ không muốn sinh viên đi học nghề. Vì khi một trường mà có nhiều học sinh thi đỗ đại học thì trường đó ít nhiều cũng có danh tiếng và thu hút được nhiều học sinh hơn.
Chính vì tư tưởng dạy như vậy nên học sinh chỉ có một tư duy đó là học xong phải thi đại học, dù học yếu hay học giỏi cũng đều phải tham gia thi đại học. Thi đại học cho đỡ xấu hổ với bạn bè.
Thứ ba, đó là áp lực từ xã hội
Chúng ta đang muốn xây dựng một xã hội học tập – một xã hội mà tất cả mọi người đều phải học tập, để tạo ra một đội ngũ lao động có tay nghề cao. Nhưng có lẽ chúng ta đang rất nhầm giữa học văn hóa và học nghề. Một xã hội học tập không có nghĩa tất cả mọi người đều phải học đại học, cao đẳng hay trung cấp mà họ có thể học nghề để tìm kiếm việc làm. Bây giờ đang có rất nhiều những công việc không đòi hỏi phải có bằng cấp mà chỉ cần biết làm. Trong khi đó chúng ta đang rất mất thời gian đào tạo ra những cử nhân nhưng lại không có việc làm cho họ. Con số 162.000 cử nhân thất nghiệp được Bộ LĐTB&XH, Tổng cục thống kê và Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đưa ra sáng 1/7, trong Hội thảo công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 2, quý 2/2014 là rất đáng để những người làm công tác giáo dục phải suy ngẫm.
Hơn nữa, xã hội ta đang quá trọng bằng cấp, một người thi đỗ đại học không cần biết sau này ra trường công việc thế nào nhưng chắc chắn là bao giờ cũng được tôn vinh hơn những người không đỗ đại học, phải đi học nghề.
Vẫn biết đại học là cánh cửa mở ra tri thức mới, giúp đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao, nhưng một xã hội mà tất cả mọi người đều học đại học cũng không phải là hoàn hảo!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét