Hình ảnh gợi lại chủ nghĩa khủng bố |
Được biết trên chiếc máy bay có chở tới 239 hành khách, trong đó số lượng hành khách Trung Quốc nhiều nhất với 153 người. Còn lại, Malaysia có 38 người; Indonesia: 7; Australia: 6; Ấn Độ: 5; Pháp: 4; Mỹ: 3; New Zealand: 2; Ukraine: 2; Canada: 2; Nga: 1; Italia: 1; Đài Loan: 1; Hà Lan: 1; Áo: 1. Toàn bộ phi hành đoàn có 12 người. Dù cho máy bay bị trục trặc, tai nạn đột ngột hay bị khủng bố tấn công thì tính mạng của các hành khách trên máy bay là điều đang được dư luận toàn thế giới đặc biệt quan tâm, lo ngại và chia sẻ. Nhiều giả thuyết khác nhau đã được đưa ra, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia an ninh hàng không và cơ quan an ninh của nhiều nước trên thế giới thì nhiều khả năng vụ mất tích lạ lùng của chiếc máy bay này là do bọn khủng bố tấn công. Những nhận định này là hoàn toàn có cơ sở, bởi vì:
Thứ nhất, từ lâu, các máy bay với số lượng lớn hành khách đã trở thành mục tiêu tấn công của các tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian dài vừa qua, các hành động khủng bố đã có phần lắng dịu xuống, là lúc mà cơ quan an ninh các nước dễ rơi vào trạng thái chủ quan, buông lỏng về an ninh; lơ là, mất kiểm soát nhất. Trong khi đó, đây cũng là thời điểm mà bọn khủng bộ đẩy mạnh sự chuẩn bị, lựa chọn thời cơ phù hợp, tận dụng những kẽ hở trong công tác quản lý, kiểm soát của an ninh các nước để tấn công khủng bố. Điều này hoàn toàn phù hợp với nhận định, thông báo của Interpol rằng: “Đã không có nước nào truy cập vào dữ liệu của Interpol để kiểm tra 2 hộ chiếu nói trên trong thời gian chúng bị báo mất cắp và trong thời gian máy bay cất cánh”. Hơn thế, hành động khủng bố dường như là điều khó có thể dừng lại của chủ nghĩa khủng bố, bởi vì đó chính là nhu cầu tâm lý, cuộc sống, là thể nguyện muốn khuếch trương thanh thế của bọn khủng bố. Cho nên, chính thời điểm này là thời điểm hợp lý nhất để bọn khủng bố tấn công, vì “biển lặng thường có sóng ngầm”.
Thứ hai, tại các nước phương Tây và một số nước thường xuyên xảy ra khủng bố thì các nhà chức trách của các nước này thường có các phương án thận trọng trong việc đảm bảo an ninh, đẩy lùi nguy cơ tấn công khủng bố. Hơn nữa, các quốc gia này cũng thường có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng các kế hoạch đảm bảo an ninh, phòng ngừa, phát hiện, điều tra, tiêu diệt bọn khủng bố. Cho nên, cả một thời gian khá dài chủ nghĩa khủng bố ở các nước này đã không thể đứng chân, không thể hành động. Cũng chính vì thế, nhiều khả năng chủ nghĩa khủng bố đã chuyển hướng sang các nước khu vực Châu Á, trong đó điểm nhấn sẽ là vụ khủng bố máy bay của Malaysia.
Thứ ba, qua các nguồn tin và số liệu điều tra ban đầu của một số cơ quan chức năng các nước cho thấy: Họ đã phát hiện ra 4 trường hợp đáng khả nghi, trong số đó có hai người sử dụng hộ chiếu đánh cắp (đây là hai kẻ đánh cắp hộ chiếu của 2 công dân người Áo và Italia tại Thái Lan vào năm 2012 và 2013; hiện tại hai công dân này vẫn đang an toàn ở nhà và không có mặt trên chuyến bay). Câu hỏi đặt ra là làm thế nào mà hai kẻ đánh cắp hộ chiếu đó lại xin được giấy nhập cảnh vào Trung Quốc, trong khi làm thủ tục và xin Visa vào Trung Quốc luôn được kiểm soát rất chặt chẽ. Hơn thế, trong số 4 đối tượng tình nghi nói trên còn có hai người Duy Ngô Nhĩ tới từ Tân Cương (đây là khu vực bất ổn của Trung Quốc trong nhiều năm qua và vụ tấn công bằng dao ở nhà ga Côn Minh khiến 30 người chết, hơn 130 người bị thương ngày 1/3 vừa qua, cũng do những phần tử cực đoan Tân Cương gây ra).
Những số liệu điều tra nói trên càng cho thấy sự hiện diện rõ rệt của những hành động khủng bố đối với vụ mất tích máy bay Malaysia. Điều này kết hợp với thông tin từ hệ thống radar của quân đội Malaysia phản ánh dấu hiệu chiếc máy bay bị mất tích có thể đã bay vòng trở lại thì không thể loại trừ khả năng chiếc máy bay bị khống chế theo ý đồ của bọn khủng bố.
Thứ tư, đối với một chiếc máy bay Boeing 777 là loại máy bay hiện đại nhất, được trang bị để di chuyển, đối phó được với những điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất thì việc nó biến mất một cách mau lẹ tới mức các phi công đã không có thời gian phát ra tín hiệu khẩn cấp là một dấu hỏi lớn? Dĩ nhiên, khó có thể chấp nhận nguyên nhân do thời tiết được, vì thời điểm bay thời tiết toàn khu vực là tương đối tốt, lý tưởng cho hoạt động bay.
Hợp tác chống khủng bố là tất yếu khách quan |
Thông thường, các sự cố máy bay thường xảy ra lúc cất/hạ cánh, còn khi máy bay đã ổn định trên không rồi thì xác suất sự cố là rất nhỏ, ước tính chỉ khoảng 9%. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn khẳng định: Bất cứ sự cố từ nhỏ nhặt đến nghiêm trọng như chết động cơ, thì phi công vẫn đủ thời gian kêu cứu. Theo các chuyên gia bay của Việt Nam thì dù máy bay có xảy ra sự cố gì, phi công vẫn có khoảng hơn 4 phút để báo cứu nạn. Còn nếu máy bay chết 2 động cơ một lúc thì vẫn có khoảng 20 phút để lướt thêm 200 dặm. Chứ còn trường hợp, ngay một lúc lại mất liên lạc hoàn toàn, vừa mất liên lạc thông tin, vừa mất rada dưới mặt đất thì chỉ có trường hợp có người cố tình can thiệp tắt hệ thống trên máy bay đi mới có thể mất cùng một lúc như thế. Cho nên, khả năng máy bay bất ngờ bị khống chế bởi tội phạm đến mức phi công không kịp phản ứng vào hệ thống là có thể xảy ra.
Có lẽ, thời điểm này chưa thể nói là còn quá sớm về sự quay trở lại của chủ nghĩa khủng bố ở khu vực. Cho nên, một mặt chúng ta cứ hy vọng rằng chủ nghĩa khủng bố sẽ bị đẩy lùi trong tương lai; nhưng mặt khác, Việt Nam nói riêng và các nước nói chung hãy cùng chung tay, đồng thuận và thể hiện trách nhiệm cao trong việc xây dựng một môi trường hòa bình, ổn định, vì sự thịnh vượng của mỗi nước và sự nghiệp bảo vệ, phát triển toàn diện và tiến bộ của con người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét