Chuyên cung cấp Đèn sưởi nhà tam giá ưu đãi tốt nhất thị trường.

Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

TINH THẦN BẤT KHUẤT CỦA NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 - HÃY CÙNG TÔN VINH CÁC GIÁ TRỊ CAO ĐẸP CỦA PHỤ NỮ VIỆT NAM

Một nét duyên dáng của Phụ nữ Việt Nam
[Vô Cực] Ngày 8-3, thế giới đàn ông hay ta vẫn thường gọi là phái mạnh, là những đấng nam nhi lại có dịp sống chậm lại một chút để cùng suy ngẫm, gửi gắm, trân trọng và tỏ lòng tri ân đối với một nửa thế giới còn lại, vì họ đã mang đến cho chúng ta sự hoàn thiện. Đây còn là dịp để chúng ta cùng tôn vinh lên sự nhân hậu và những giá trị đẹp đẽ của phụ nữ nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, không phải ai, người đàn ông nào cũng hiểu hết ý nghĩa của ngày 8-3 cũng như những mốc son chói lọi in dấu trong lịch sử thế giới và Việt Nam về những ngày đầu tháng Ba này. Vì thế, để góp phần tôn vinh người Phụ nữ và đấu tranh vì quyền bình đẳng của Phụ nữ, vì sự tiến bộ, vì sự phát triển toàn diện của con người, có lẽ chúng ta cùng ngắn lại ít phút để hiểu hơn về lịch sử ngày 8-3.

Vào cuối thế kỷ XIX, khi chủ nghĩa tư bản đang trên đà phát triển mạnh mẽ, nhất là ở nước Mỹ. Hoạt động sản xuất không ngừng được mở rộng, tạo ra nhiều công ăn việc làm, từng bước thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào làm trong các nhà máy, xí nghiệp. Với bản chất tư sản áp bức, bóc lột, bọn chủ tư bản đã triệt để lợi dụng sức lực của chị em phụ nữ, trẻ em, trả lương rẻ mạt làm cho đời sống của phụ nữ và trẻ em vô cùng cực khổ và điêu đứng.

Không chịu được cảnh áp bức tàn bạo đó, ngày 8/3/1899, tại hai thành phố Chicago và New-York (của nước Mỹ) đã nổ ra cuộc đấu tranh mạnh mẽ của nữ công nhân ngành dệt may, đòi tăng lương, giảm giờ làm. Mặc dù bị thẳng tay đàn áp, bắt bớ, đuổi ra khỏi nhà máy nhưng chị em vẫn đoàn kết, bền bỉ đấu tranh, buộc bọn chủ tư sản phải nhượng bộ. Thắng lợi đó đã cổ vũ tinh thần đấu tranh của phụ nữ lao động Mỹ. Ðến tháng 2/1909 lần đầu tiên phụ nữ khắp nơi trên nước Mỹ đã tổ chức “Ngày phụ nữ” mít tinh, biểu tình rầm rộ đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. 

Tại New-York đã có 3.000 chị em phụ nữ đã tham dự cuộc họp phản đối chính phủ vì đã không công nhận quyền bầu cử của phụ nữ. Những cuộc đấu tranh đầu tiên đó của nữ công nhân Mỹ đã làm chấn động toàn nước Mỹ hồi bấy giờ, và tạo thành một nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh của phụ nữ lao động trên toàn thế giới. Cũng chính trong các cuộc đấu tranh này, đã xuất hiện 2 nữ chiến sĩ cách mạng lỗi lạc là bà Cơ-la-re-Zet-Kin (người Ðức) và bà Rô-da-luya-Xăm-Bua (người Ba Lan). Hai bà đã phối hợp với bà Cơ-rúp-xcai-a (vợ của Lê-nin) để vận động thành lập Ban Thư ký quốc tế phụ nữ để lãnh đạo phong trào.

Trước sự lớn mạnh về số lượng và chất lượng của phong trào phụ nữ trên thế giới. Ngày 26 và 27 tháng 8 năm 1910, Đại hội lần thứ 2 của những người Phụ nữ thế giới đã được triệu tập ở Cô-pen-ha-gơ (Thủ đô Ðan Mạch) với sự tham dự của 100 nữ đại biểu, đại diện cho 17 nước. Đại hội đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày Quốc tế Phụ nữ với mục đích “đấu tranh đòi các quyền lợi của phụ nữ và trẻ em; ngày làm việc 8 giờ; công việc ngang nhau, tiền lương ngang nhau; bảo vệ bà mẹ và trẻ em”.

Từ đó đến nay, ngày 8/3 trở thành ngày hội của phụ nữ thế giới, đoàn kết đấu tranh để tự giải phóng, thực hiện quyền nam nữ bình đẳng và cũng từ đó, phụ nữ tiến bộ khắp năm Châu đã tổ chức ngày 8/3 với những nội dung và hình thức phong phú.

Đối với Việt Nam, ngày 8-3 không chỉ là ngày Quốc tế phụ nữ, mà còn là ngày để chúng ta kỷ niệm cuộc Khởi nghĩa của 2 vị nữ Anh hùng dân tộc đầu tiên (Trưng Nhắc và Trưng Nhị) đã đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, giành lại chủ quyền dân tộc. Hai Bà Trưng chính là những người đại diện cho lòng yêu nước, ý chí, nghị lực, trí tuệ và sức mạnh quật khởi, cũng như những nét đẹp văn hóa trong mỗi người phụ nữ Việt Nam.

Hai Bà Trưng sinh ra, lớn lên và tận mắt chứng kiến sự tham lam và chính sách cai trị vô cùng tàn bạo của bọn phong kiến phương Bắc (giặc Đông Hán), nên Hai Bà Trưng đã bàn chuyện chiêu mộ và phát động nhân dân chuẩn bị khởi nghĩa ở cửa Sông Hát (thuộc địa phận huyện Phúc Thọ, Hà Nội ngày nay) với lời thề sắt son trước giờ xuất binh:

“Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kẻo oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”.

Lời hịch thiêng liêng “Đền nợ nước, trả thù nhà” đã nhận được sự hưởng ứng của các Lạc hầu, Lạc tướng và những người yêu nước ở khắp các thị, quận cùng đông đảo lực lượng là phụ nữ tham gia khởi nghĩa.

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng được nhân dân khắp nơi ủng hộ, tạo thành sức mạnh như vũ bão, giáng những đòn mạnh mẽ vào kẻ thù, buộc chúng (Thái thú Tô Định) phải tháo chạy về nước. Dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng, nhiều cuộc khởi nghĩa địa phương được tập hợp, thống nhất thành một phong trào rộng lớn từ miền xuôi đến miền núi, bao gồm cả người Việt và các dân tộc khác trong nước Âu Lạc cũ. Bằng ý chí, uy tín và nghị lực phi thường của hai người phụ nữ, nhân dân đã tập hợp thành lực lượng đông đảo, chỉ trong một thời gian ngắn, nghĩa quân của Hai Bà Trưng đã đánh bại âm mưu xâm lược của phong kiến phương Bắc, mở ra trang sử độc lập, vẻ vang cho đất nước. Trưng Trắc lên làm vua, được suy tôn là Trưng Vương, đóng đô ở Mê Linh.

Trong lịch sử thế giới, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, chống lại quân Đông Hán phương Bắc xâm lược được xem là cuộc khởi nghĩa của những bậc nữ anh hùng đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đứng lên tranh đấu giành độc lập cho đất nước. Hai Bà Trưng được vinh danh là những người phụ nữ mở nước đầu tiên của Việt Nam và xây dựng kinh đô tại Mê Linh - Phú Thọ, tiếp tục cùng nhân dân giữ vững nền độc lập, quyền tự chủ dân tộc trong gần 3 năm. Vì vậy, dân gian thường truyền nhau câu thơ:

“Đô kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta”.

Nhà Hán thấy bà xưng vương đã dấy quân đánh lấy lại các thành. Tháng 1-42, Mã Viện - tướng nhà Hán tiến đánh vào kinh đô nước Việt. Hai Bà Trưng cùng nhân dân quyết tâm đánh lại quân nhà Hán và quân Hán đánh trả quyết liệt tại vùng Lãng Bạc (Tiên Sơn - Bắc Ninh), Cẩm Khê (Ba Vì - Hà Nội). Trước sức mạnh của kẻ thù, Hai Bà đã tự gieo mình xuống Hát Giang tử tiết vào ngày 6-2-43. Sau khi Hai Bà Trưng mất, để tưởng nhớ công ơn của các liệt nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc, nhân dân nhiều địa phương đã lập đền, miếu thờ phụng Hai Bà và các tướng lĩnh. Đặc biệt, ở Kinh đô Mê Linh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân luôn quan tâm việc giữ gìn, tôn tạo đền thờ Hai Bà Trưng. Hằng năm tổ chức lễ hội dâng hương tưởng nhớ công đức Hai Bà đối với dân tộc. Năm 1980, Đền thờ Hai Bà Trưng được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt quan trọng. Đền thờ được gìn giữ, tôn tạo, mở rộng nhằm tôn vinh công lao của Hai Bà. Qua đó giáo dục lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau, đồng thời thể hiện lòng biết ơn, trách nhiệm, sự tri ân của thế hệ hôm nay với các bậc tiên hiền có công với nước.

Cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo đầu công nguyên là bằng chứng hùng hồn của tinh thần yêu nước, yêu tự do cũng như khí phách hiên ngang, hào hùng của tổ tiên ta nói chung và của người phụ nữ Việt Nam nói riêng. Những chiến công và tinh thần bất khuất, kiên trung trên của Hai Bà Trưng về sau đã được phụ nữ Việt Nam kế thừa và đã cùng với toàn dân tộc Việt Nam làm nên huyền thoại, đánh tan bọn thực dân, đế quốc xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. 

Có thể nói, Hai Bà Trưng là chính là biểu tượng của ý chí hiên ngang và khí phách quật cường của dân tộc nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng mãi mãi là tài sản vô giá về tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất của nhân dân Việt Nam. Tiếp nối truyền thống vẻ vang của Hai Bà, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cùng với nhân dân cả nước, phụ nữ Việt Nam luôn tỏ rõ phẩm chất tốt đẹp: Năng động, sáng tạo, trung hậu, đảm đang, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phụ nữ Việt Nam sẽ luôn phấn đấu để xứng đáng với danh hiệu “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã phong tặng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét