[Đò Ngang] - Cướp biển hay còn gọi là hải tặc. Tưởng như ngày nay thuật ngữ cướp biển sẽ dần không còn nghe thấy nữa và có lẽ nó sẽ sớm trở thành từ cổ. Ấy vậy mà, ở biển Đông vẫn còn nhiều cướp biển.
Cướp biển theo cách hiểu trong các từ điển, đó là hành động cướp trên biển, thường do những lực lượng hàng hải bất hợp pháp tiến hành, hay nói theo nghĩa thông thường thì cướp biển (hải tặc) là kẻ cướp trên biển. Tuy nhiên, trong các thời đại, cướp biển không chỉ hiểu đơn thuần đó là đám cướp mà còn là một nhóm người nằm dưới sự điều hành của các chính phủ. Chính phủ đã tạo ra các đội tàu để thực hiện các nhiệm vụ truy đuổi như hải tặc và tiến hành các vụ cướp biển.
Như vậy, cướp biển tồn tại ở hai loại. Loại thứ nhất, là nhóm người được tập hợp nhau lại một cách tự phát hay tự giác, hoạt động bất hợp pháp trên biển và trở thành tội phạm khi thực hiện các hành vi cướp, chiếm đoạt… tài sản của người khác trên biển. Loại thứ hai, là loại được một chính phủ nào đó cổ vũ, ủng hộ, hậu thuẫn để thực hiện hành vi cướp biển theo ý đồ chính trị của chính phủ đó.
Ngày hôm qua (8/3), 8 ngư dân Khánh hòa trở về từ vùng biển thuộc Quần đảo Hoàng Sa vẫn chưa hết bàng hoàng và phẫn nộ vì tàu của mình bị “tàu lạ” tấn công và cướp hết sạch tài sản, phương tiện đánh bắt cá, phương tiện liên lạc. Không những thế, họ còn có nguy cơ phải nằm bờ “dài hạn”, vì mất hết ngư cụ và nợ nần chồng chất.
Trước đó, vào ngày 5/2, khi tàu cá KH 90746-TS của ông Phan Quang, quê ở Khánh Hòa và 3 tàu khác của Việt Nam đang tránh gió tại bãi cạn Bông Bay thuộc Quần đảo Hoàng sa, thì bị một tàu sắt mang ký hiệu 46105, công suất lớn tấn công. Hai tàu chạy thoát, còn lại tàu của ông Quang gồm 8 người và một tàu cá ở Quảng Nam bị áp sát, khống chế. Đã có 9 đến 10 người nhảy xuống xà lan cầm dao chặt đá, xà beng, xông lên tàu cá của ông Quang, khống chế các ngư dân và vào ca bin lấy máy, mở hầm lấy vi cám nhám, lấy câu, cắt dây điện, cướp 2 máy bộ đàm, 1 máy định vị, 4 bộc câu cá nhám, 8 điện thoại di động, 7 bộ vi cá nhám cùng các giấy tờ như sổ đăng kiểm, bằng thuyền trưởng… Ngoài số tài sản trên bị lấy, tàu của ông Quang còn tổn thất hơn 60 triệu đồng vì không thể ở lại tiếp tục đánh bắt.
Bên cạnh hành vi trên, nhóm hải tặc này còn cử ra một người quay phim, một người nói được tiếng Việt và yêu cầu các ngư dân ghi tên tuổi ra giấy, cầm lên ngực để họ quay phim, chụp ảnh.
Thiết nghĩ những hành động của nhóm hải tặc trên không phải do tự phát mà có, chúng không phải là nhóm giặc cỏ. Bởi vì, ngư dân Việt Nam đang đánh bắt cá trong khu vực Quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Giặc cỏ có ăn gan báo cũng không dám ngang nhiên hành động như vậy, vì chúng thừa hiểu hậu quả sẽ ra sao nếu đụng vào vùng đất, con người của Việt Nam và được quân đội Việt Nam bảo vệ.
Vậy bọn này là ai? Loại người thứ nhất không phải, chỉ còn loại người thứ hai. Phải chăng, đằng sau chúng là một thế lực nào đó lớn mạnh. Chúng hành động cũng không hẳn vì mục đích cướp tài sản. Bởi, nếu là hải tặc nhà nòi sẽ chả có thằng điên nào lại hứng thú bắt nạn nhân ghi tên tuổi, cầm lên ngực để chúng quay phim, chụp ảnh. Không những thế lại còn mửa ra câu “không được đánh bắt cá ở vùng này”. Nghe mà sốt hết cả ruột, bọn này có bị thần kinh không, là thằng hải tặc thì cướp cho nhanh, rồi mau chóng trốn mẹ nó đi cho vuông, nếu không bị lực lượng hỗ trợ tóm sống. Đằng này lại còn nghênh ngang với những hành vi và lời nói ngông cuồng trên lãnh thổ người khác. Rõ ràng, bọn này đã được sự hỗ trợ về phương tiện, hậu thuẫn về kinh tế để trở thành hải tặc vì mục đích đê hèn.
Mấy năm trở lại đây, nạn hải tặc trên Biển Đông ngày càng hoành hành. Thiết nghĩ, cảnh sát biển các nước ASEAN cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa để dẹp đám giặc cỏ này, bảo vệ bà con dân mình đánh bắt cá yên ổn. Chẳng có nhẽ, đến sống, làm ăn trên vùng đất, vùng biển cha ông mình để lại mà hải tặc cũng dám hoành hành, hẳn bọn này chán sống.
Sự việc tàu ông Phan Quang bị hải tặc tấn công không phải là mới xuất hiện, nhiều cư dân Việt Nam đã phải chịu hoàn cảnh tương tự. Cần phải có động thái mạnh mẽ hơn nữa để quét sạch bọn này, trả lại trong sạch cho chủ quyền biển đảo của nước ta.
Mời các bạn xem chi tiết việc hải tặc tấn công tàu ông Phan Quang ngày 5/3/2014 bằng bài viết dưới đây:
Vụ tàu cá bị tàu “lạ” tấn công: 8 ngư dân bị cướp tài sản như thế nào?
(Dân trí) - Sau khi bị tàu “lạ” đuổi theo khống chế, 8 ngư dân Khánh Hòa trên tàu cá KH 90746-TS bị lùa về phía mũi tàu, bị yêu cầu ghi tên, tuổi ra giấy cầm trước ngực để quay phim, chụp hình. Ngư cụ trên tàu cá cũng bị cướp trắng trợn…
Ngày 8/3, một ngày sau khi trở về từ Hoàng Sa, 8 ngư dân Khánh Hòa, ai cũng tỏ ra bàng hoàng và rất phẫn nộ. Giờ đây, tàu cá của họ đang đối mặt với nguy cơ nằm bờ “dài hạn” vì mất hết ngư cụ đánh bắt, nợ nần chồng chất…
Tàu cá KH90746-TS của ngư dân Khánh Hòa trở về bờ vào rạng sáng 7/3 sau khi bị khống chế trên vùng biển Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Nhảy lên tàu cá khống chế ngư dân
Trước đó, vào ngày 5/2, tàu cá KH 90746-TS do ông Phan Quang (trú phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) làm chủ ra vùng biển Hoàng Sa hành nghề câu cá nhám. Đánh bắt chưa lâu thì nghe đài báo gió mạnh cấp 7-8 nên tàu chạy vào tránh gió tại bãi cạn Bông Bay, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Tại đây, ngoài tàu cá KH 90746-TS còn có 2 chiếc tàu cá khác của ngư dân Quảng Nam và 1 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi. Tiếp xúc với PVDân trí trưa ngày 8/3, ông Phan Quang, chủ tàu cá KH 90746-TS kể lại, vào khoảng 15h ngày 21/2 khi đang trú gió tại bãi cạn Bông Bay thì xuất hiện một tàu “lạ” (tàu sắt) công suất lớn mang số hiệu 46105 tiếp cận nhóm tàu của ngư dân Việt Nam. Lúc này 4 tàu cá Việt Nam đang trú gió (mỗi tàu cách nhau khoảng nửa hải lý), phát hiện tàu sắt nên nhổ neo chạy ra xa.
Ông Phan Quang - chủ tàu cá KH90746-TS - bàng hoàng kể lại sự việc cho PVDân trí.
Tuy nhiên, chỉ có 2 chiếc chạy thoát, tàu cá KH 90746-TS của ông Quang và một tàu cá ở Quảng Nam bị áp sát, khống chế. “Chiếc tàu áp sát tàu tui có màu trắng, tui thấy mang ký hiệu 46105. Tàu tui chạy tới thì bị chặn đầu, quay ngược chạy lui cũng không xong vì tàu họ chạy rất nhanh. Sau khi áp sát, họ ra hiệu tàu tui phải chạy về Bông Bay”, ông Quang kể.
Theo lời ông Quang, sau khi ép được tàu ông, chiếc tàu “lạ” cho 9 đến 10 người nhảy xuống xà lan xông lên tàu cá của ông. Ông Quang kể: “Họ xông lên tàu tui rồi dồn 8 ngư dân tụi tui về phía mũi, sau đó xông vô ca bin lấy máy, mở hầm lấy vi cám nhám, lấy câu, cắt dây điện…”.
Anh Lê Hữu Toàn (SN 1982), thuyền trưởng của tàu cá KH 90746-TS, kể thêm: “Khi mới xông lên họ cầm dao chặt đá (đá lạnh-PV), xà beng… canh giữ 8 ngư dân tụi tui. Khi đó tụi tui rất sợ, không ai dám chống đối và phải làm theo những gì họ yêu cầu. Họ bảo đưa tay lên đầu rồi ngồi xuống, từng người bước tới trước cho họ lục soát”.
Theo ngư trên trên tàu cá KH 90746-TS, sau khi khống chế khoảng 30 phút, có thêm khoảng 10 người từ tàu “lạ” tiếp tục xông lên tàu cá Khánh Hòa. Trong số này có 2 phụ nữ trạc 25 đến 26 tuổi, tay cầm mi-crô và một người đàn ông trạc tuổi 30 cầm máy quay phim. Tám ngư dân Khánh Hòa được một người nước ngoài đi trên chiếc tàu “lạ” nói bằng tiếng Việt yêu cầu ghi tên tuổi ra giấy, cầm lên ngực để họ quay phim, chụp hình.
Anh Lê Hữu Toàn (SN 1982), thuyền trưởng của tàu cá KH 90746-TS.
Lời “cầu cứu” từ ngư dân
Sau khi khống chế 8 ngư dân Khánh Hòa rồi cướp ngư cụ, những người trên chiếc tàu “lạ” ra lệnh cho 8 ngư dân trên tàu cá KH 90746-TS lập tức phải rời khỏi vùng biển Hoàng Sa. “Họ bảo chúng tôi không được đánh bắt ở vùng này, tay chỉ hướng bảo chúng tôi chạy về Việt Nam”, chủ tàu KH 90746-TS nói thêm. Sau đó, tàu cá KH 90746-TS nhổ neo chạy về Lý Sơn và đến sáng 7/3 thì về bờ.
Các ngư dân trên tàu cá Khánh Hòa cho biết, họ bị cướp 2 máy bộ đàm, 1 máy định vị, 4 bộc câu cá nhám, 8 điện thoại di động, 7 bộ vi cá nhám cùng các giấy tờ như sổ đăng kiểm, bằng thuyền trưởng… “Ngoài số tài sản trên bị lấy, tàu của tui tổn thất hơn 60 triệu đồng vì không thể ở lại tiếp tục đánh bắt”, chủ tàu cá Phan Quang nói và cho biết thêm sau khi vào bờ, 8 ngư dân trên tàu cá của ông đã làm bản tường trình (mỗi người một bản) báo cáo cho đồn biên phòng 366 (đóng ở Ninh Hải, Ninh Hòa, Khánh Hòa) nhưng chưa nghe thông báo gì.
Trong khi đó, anh Lê Hữu Toàn - thuyền trưởng tàu cá KH90746-TS nói: “Tám anh em trên tàu mỗi người được 1 cái máy di động cầm theo để điện về cho gia đình cũng bị lấy luôn. Hiện chúng tôi rất khó khăn, hầu như đã kiệt quệ vì không có tiền để mua phí tổn đi chuyến khác. Chúng tôi tha thiết cơ quan chức năng làm rõ vụ việc, có phương án giúp đỡ, hỗ trợ để ngư dân chúng tôi tiếp tục vươn khơi bám biển, giữ vững chủ quyền biển đảo”.
Liên quan đến vụ việc này, một lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Khánh Hòa cho biết đã cử người xác minh, đồng thời yêu cầu ngư dân trên tàu cá KH 90746-TS làm bản tường trình. Chiều 8/3, PV Dân trí đã liên lạc qua điện thoại với ông Tống Trân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa để nắm thêm thông tin thì ông này cho biết chưa nắm được vụ việc vì chưa được nghe cấp dưới báo cáo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét