Mực tàu - Mới đây, Bộ Y tế ban hành dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Theo đó, người bán rượu bia sau 10h đêm có thể bị cấm. Thậm chí, người uống rượu sau 10h đêm cũng có thể bị phạt.
Với một số nước trên thế giới thì đây không phải là quy định mới, nhưng để có thể áp dụng tại Việt Nam thì rất khó. Phải thừa nhận rằng, rất nhiều những văn bản của ta hiện nay đang học hỏi từ nước ngoài, nhưng do điều kiện và hoàn cảnh khác nhau nên việc có thể áp dụng được hay không lại là việc khác.
Tuy đây mới chỉ là dự thảo mà Bộ Y tế trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, nhưng đã có rất nhiều những ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bà không đồng tình với lệnh “cấm bán bia rượu sau 10h đêm” như trong dự thảo của Bộ Y tế: “Cấm uống rượu bia sau 10h đêm sẽ là trở ngại cho ngành du lịch”, bà Khánh nói.
Bà Khánh lý giải, sản phẩm du lịch của Việt Nam vốn không phong phú, nay lại bị cấm khác nào khép lại những hoạt động về đêm. Khám phá cuộc sống về đêm cũng là một trong nhưng sở thích của khách du lịch khi đến Việt Nam và đem lại nguồn thu tương đối lớn cho ngành du lịch. Đối với khách du lịch, khám phá các món ăn đêm cùng một chút rượu cũng là một trải nghiệm thú vị, nếu cấm bán rượu bia về đêm thì khách du lịch sẽ bị lãng phí thời gian ban đêm, các hàng quán sẽ phải đóng cửa hết.
Đồng quan điểm với bà Khánh, TS. Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cũng nhận định, cấm bán hàng về đêm sẽ ảnh hưởng đến du lịch. Ông Lợi nói: “Nơi du lịch, nơi ăn chơi phải cho phép người ta uống rượu sau 10h đêm. Muốn phát triển du lịch, muốn người ta đến mà cấm bán rượu sau 10h đêm khác nào cấm 12h đêm không được ngủ”.
Xét về mục đích, rõ ràng đề xuất cấm bán rượu bia sau 10h đêm của Bộ Y tế là rất tốt. Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn chưa nghiên cứu cụ thể, chưa điều tra tâm lý của người dân, dư luận xã hội để tính đến tính khả thi của văn bản pháp luật. Một trong những tiêu chí quan trọng để áp dụng pháp luật đó là tính khả thi. Nếu như một văn bản pháp luật được ban hành mà không được đông đảo nhân dân ủng hộ, không có tính khả thi thì không nên ban hành các văn bản pháp luật đó.
Trước đó, Nghị định 176 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính tronh lĩnh vực y tế có hiệu lực từ 31/12/2013. Đến nay, mặc dù vi phạm vẫn rất phổ biến nhưng chưa hề có trường hợp nào bị xử lý vi phạm.
Theo các chuyên gia, những thứ thuộc về thói quen xã hội như: nhậu về đêm, vui chơi về đêm nên thiên về vận động hơn là xử phạt. Nếu cơ quan chức năng cấm tiệt thì khó khả thi, thay vào đó nên thúc đẩy nhận thức xã hội, làm thế nào để mọi người thấy nhậu đêm là thói quen xấu, cần lên án.
Xem ra, hiện nay chúng ta chỉ ban hành quy định pháp luật cho có, chúng ta cố gắng ban hành đầy đủ các quy định pháp luật sao cho bao quát mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chúng ta học hỏi theo các nước văn minh trên thế giới mà không xem đến tính khả thi của văn bản pháp luật đó khi áp dụng tại nước ta. Một thực trạng chung, đó là chúng ta ban hành cứ ban hành, ban hành theo kiểu cầu cần phải có, còn người dân thực hiện hay không, tính khả thi thế nào lại là chuyện khác!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét