Chuyên cung cấp Đèn sưởi nhà tam giá ưu đãi tốt nhất thị trường.

Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

SỰ LÃNH CẢM!

Đò Ngang - Thật sự, lúc đầu tôi rất khâm phục những người làm bác sĩ, y sĩ, vì họ thường xuyên phải tiếp xúc với các bệnh nhân, với mức độ bệnh nặng nhẹ khác nhau, với những đòi hỏi rất khác nhau, thậm chí là vô lý. Đặc biệt là đối với các y bác sĩ thường xuyên phải tiếp xúc với các bệnh nhân bị mắc chứng bệnh tâm thần, tại làm sao mà họ vẫn có thể sống vui vẻ hàng ngày trong những môi trường như thế được! Và cuối cùng tôi tìm ra câu trả lời, đó là, lâu dần họ thành quen, ban đầu họ cũng rất tâm lý, thậm chí bị stress nặng nhưng rồi họ sống trong môi trường đó lâu dần thành quen. Họ không còn chịu ảnh hưởng của những điều đó nữa! Đó gọi là sự lãnh cảm!

Hiện tượng này dễ thấy ở mọi ngóc ngách cuộc sống, từ miếng ăn hằng ngày, chúng ta có thể sẽ rất hào hứng khi ăn món mình thích nhưng nếu như chúng ta cứ ăn mãi một món thì dù ngon cũng sẽ đến một lúc nào đó chúng ta không còn cảm thấy nó ngon nữa, nó cũng bình thường như bao món khác. Từ quyên góp tiền ủng hộ lũ lụt cho đến giúp người có hoàn cảnh khó khăn. Người ta có thể hành động rất hào hiệp trong lần đầu tiên, nhưng đến lần thứ hai, thứ ba và mọi việc vẫn như cũ, lòng tốt ban đầu sẽ khó được giữ nguyên!

Và đến thời đại thông tin ngày hôm nay, khi mà công chúng đang bị ngập lụt bởi thông tin: chỉ một sự việc xảy ra chúng ta thấy nó được mổ sẻ dưới nhiều góc độ khác nhau, được đăng đi đăng lại bởi hàng chục, hàng trăm tờ báo các loại, hết báo giấy lại đến báo mạng, rồi báo nói. Người ta có thể rất bất bình với tin tức đầu tiên từ các vụ hiếp dâm ở Ấn Độ, nhưng qua nhiều lần, cảm xúc đó sẽ biến mất và thay vào bởi suy nghĩ ‘lại Ấn Độ’. Người ta có thể thấy khó hiểu, tò mò khi thấy thương lái Trung Quốc lần đầu mua những thứ quái dị tại Việt Nam, nhưng qua nhiều lần, cảm xúc đó không còn nữa và thay vào đó là suy nghĩ “lại Trung Quốc”!



Đó là mặt trái của truyền thông: sự tiếp cận quá mức sẽ khiến công chúng trở nên lãnh cảm…Nhưng đôi khi, một sự việc xảy ra nóng hổi và nó cứ kéo dài, kéo dài mãi thì đến lúc truyền thông cũng chán đưa tin!

Gần đây nhất có lẽ là câu chuyện căng thẳng trên biển Đông giữa Việt Namvà Trung Quốc, khi Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan HD – 981 trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trong những ngày đầu, khi thông tin về sự việc được khởi phát ở truyền thông trong nước, nhà nhà nói về giàn khoan, người người nói về giàn khoan.

Nhưng sau hơn hai tháng trôi qua và không có nhiều biến chuyển, có cảm giác là chúng ta đã dần thích nghi với chuyện này. Vài ba hôm lại có chuyện tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam trên biển, lại hết sức quan ngại, nhưng cuối cùng vẫn không có đột phá nào diễn ra. Nhắc lại chuyện này với mấy anh bạn tôi chỉ nhận được câu trả lời dửng dưng: Úi giời, có gì mới đâu, chỉ suốt ngày đâm nhau, chửi nhau mới phun vòi rồng chứ làm được gì nữa, chán ngắt!

Ngay cả đến truyền thông cũng chán đưa tin: Những ngày đầu Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan, đâu đâu cũng thấy báo chí đăng tải, cập nhật tin tức. Các báo quốc tế và khu vực cũng thường xuyên đưa tin. Thậm chí, việc mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Biển Đông là một trong những sự kiện được quan tâm nhiều nhất tại Châu Á và xếp thứ hai thế giới sau sự kiện đảo chính tại Ukraina. Nhưng giờ đây, sau hơn hai tháng xảy ra sự việc vẫn vậy, không hề có tiến triển gì mới, chúng ta thấy truyền thông đã không còn hào hứng đưa tin nữa!

Tiếp tục lấy việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan HD – 981 trong vùng biển của Việt Nam để xem xét. Nếu như chúng ta không có bước giải quyết đột phá, ngày nào chúng ta cũng đem tàu ra xua đuổi, bị đâm húc rồi lại trở vào bờ sửa chữa, sửa xong lại ra tuyên truyền, xua đuổi thì sẽ không thể giải quyết được triệt để vấn đề. Ngày hôm nay Trung Quốc mang giàn khoan đến, chúng ta không ngăn chặn được, thì ngày mai, ngày kia, và sẽ còn nhiều lần nữa Trung Quốc sẽ mang giàn khoan đến vùng biển của chúng ta. Rồi sẽ đến ngày mà chúng ta cảm thấy đây là việc bình thường, không có gì đáng nói dẫn đến việc chúng ta chấp nhận như vậy!

Một kết luận rút ra là không có sự hưng phấn, mối quan tâm nào tồn tại mãi mãi. Rồi sẽ đến lượt nó sẽ phải rời sân khấu, nhường vị trí cho các sự kiện khác. Vì vậy, không tận dụng được đỉnh cao “hưng phấn” để làm một điều gì đó, sẽ đến lúc tầm thường hóa mọi chuyện và rồi chính chúng ta sẽ chấp nhận “thực trạng” mới được tạo ra. Điều đáng ngại nhất không phải là hoàn cảnh khó khăn đến mức nào mà là mất đi tinh thần và tâm lý chiến đấu! Đây chính là điều mà Trung Quốc đang thực hiện với chúng ta!!!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét