Kin Kin - Mấy ngày qua cộng đồng mạng đang xôn xao và bức xúc sự việc trên một số website nhạc trực tuyến lớn của Việt Nam như: nhaccuatui.com; nhac.vui.vn… xuất hiện ca khúc với tựa đề “Phiếu bé ngoan” thuộc thể loại rap do một nhóm ca sĩ thể hiện với nội dung phản cảm xoay quanh chuyện phòng the của đôi trai gái, có những lời lẽ, ca từ nhạy cảm, rất tục tĩu. Ca khúc rap này có 2 phần, do một số "nghệ sĩ trẻ" như Yanbi, Bueno, Mr.A, TMT, Mr. T thể hiện.
Đại đa số khán giả đều bảy tỏ một sự phẫn nộ trước nhóm nghệ sĩ hát bài hát này. Nó không chỉ đơn thuần gây phản cảm mà ảnh hưởng lớn đến thuần phong mĩ tục của dân tộc, ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa, đạo đức của người Việt Nam . Bên cạnh đó, một số bạn trẻ ngụy biện cho rằng, đây là dòng nhạc Underground (được hiểu nôm na là dòng nhạc không chính thống) tách biệt với những thể loại âm nhạc đại chúng. Họ hát vì sở thích vì niềm say mê âm nhạc. Lợi thế của dòng nhạc này là sự tự do, thoải mái nói trong thế giới của họ…
Tuy nhiên, tự do thoải mái về ca từ không có nghĩa là họ muốn hát ở đâu thì hát, họ muốn làm gì với ca khúc đó thì làm. Họ chỉ được thoải mái biểu diễn trong phạm vi hẹp, không phải sân khấu chuyên nghiệp, không được biểu diễn trên các sân khấu có khán giả, không được sử dụng các phương tiện truyền thông để tuyên truyền ca khúc của mình.
Đây không phải là lần đầu tiên, tình trạng những ca khúc có ca từ tục tĩu xuất hiện trên mạng. Trước đó, một số ca khúc như Áo mưa, Tao biết, Trả giá... cũng phản cảm, mang nội dung thô thiển không kém. Nhưng tại sao chúng ta vẫn để xảy ra tình trạng này, và có thể sẽ có thêm nhiều lần khác nữa?
Trước hết, trách nhiệm này thuộc về cá nhân những người được mệnh danh là “nghệ sĩ”. Thật đáng buồn khi những người được mang danh là “nghệ sĩ”, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật mà lại có thể “phun” ra những ca từ như vậy. Thử hỏi như vậy có còn là văn hóa hay không? Đó có còn là nghệ thuật nữa hay không? Họ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nhưng họ lại không hiểu thế nào là văn hóa, nghệ thuật.
Thứ hai, là trách nhiệm của những người quản lý. Những người có trách nhiệm đã không làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình. Không kiểm duyệt kỹ nội dung bài hát trước khi cấp giấy phép biểu diễn, cũng như đăng tải mà đa số chỉ xem qua danh sách tên bài hát trong khi không biết nội dung là gì. Nếu các cơ quan chức năng làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình thì chắc chắn không thể có tình trạng này liên tiếp xảy ra.
Bên cạnh việc buông lỏng quản lý, một vấn đề nữa cùng cần phải xem xét, đó là mức hình phạt. Hiện nay, mức hình phạt rất thấp không đủ sức răn đe đối với các “nghệ sĩ rác” này. Do đó, cần phải tăng mức hình phạt thật cao đối với các “nghệ sĩ” này, cũng như các trang mạng nghe nhạc trực tuyến đăng tải nội dung các bài hát không đúng với thuần phong mĩ tục của đất nước.
Thứ ba, cũng phải nói đến trách nhiệm thuộc về một bộ phận “khán giả”. Chính những bộ phận khán giả này đã đồng lõa tiếp tay cho những ca khúc tục tĩu này có chỗ sống len lỏi. Nếu như tuyệt đại bộ phận khán giả, chúng ta quay lưng với các ca khúc kiểu này, thì nó sẽ tự diệt vong. Một ca khúc mà không được khán giả đón nhận thì làm sao nó có thể tồn tại.
Cho nên để loại trừ các ca khúc tục tĩu để làm trong sạch thì trường âm nhạc Việt Nam thì sự quản lý của cơ quan chức năng là rất quan trọng. Xong phản ứng của khán giả lại đóng vai trò quyết định cho sự tồn tại của các ca khúc kiểu này!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét