Đò Ngang - Trong thời gian qua có nhiều những đề xuất, những quy định điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, các quy định này mới ban hành đã gặp rất nhiều phản ứng từ phía người dân về tính khả thi của nó. Chúng ta hãy điểm qua một vài quy định, đề xuất như thế:
Quy chế cộng điểm tuyển sinh THPT
Ngày 18/4/2014, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông, trong đó đã quy định các nhóm đối tượng được hưởng chế độ ưu tiên cộng điểm trong tuyển. Ngày 26/5/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 18/2014/TT-BGDĐT bổ sung các đối tượng ưu tiên nói trên, trong đó thêm “Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1.1.1945; Con của người hoạt động cách mạng từ 1.1.1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8 năm 1945” sẽ được cộng điểm ưu tiên trong các kỳ thi tuyển sinh THPT.
Chăm lo cho con em gia đình chính sách, người có công là cần thiết, nhưng liệu có lố bịch không, không còn cách nào nữa hay sao mà phải ban hành quy định này. Bởi vì, với người hoạt động cách mạng trước năm 1945 hoặc năm 1945, nếu tính tuổi họ tham gia cách mạng trung bình là 20 tuổi, thì tính đến nay họ cũng ở tuổi từ 85 đến 90 tuổi. Nếu như họ lập gia đình theo quy luật thông thường thì con của họ cũng từ 65 – 70 tuổi. Giả sử có người đến 60 tuổi mới lập gia đình thì con của họ đến nay cũng từ 25 – 30 tuổi. Ở tuổi này, có còn mấy ai thi vào THPT không nhỉ!
Đồng ý rằng, trong thực tế luôn có những trường hợp đặc biệt, cho nên cần có quy định để điều chỉnh những trường hợp đặc biệt đó. Tuy nhiên, soạn thảo một quy định như trên là bất hợp lý, thiếu tính thực tế. Nó thiếu tính thực tế như quy định cộng điểm ưu tiên thi đại học cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng mà Bộ GD & ĐT từng làm cho dư luận sốc vì không đủ sức để tưởng tượng.
Những người đã có công với nước, chúng ta chắc chắn không được quên, chúng ta phải có những chính sách đối với họ. Tuy nhiên, chế độ chính sách thế nào cho hợp lý. Quy định là điều chỉnh số đông người chứ không phải là để áp dụng cho 1 hoặc 2 đối tượng. Thiết nghĩ, chúng ta có rất nhiều cách khác nhau để thể hiện sự quan tâm đối với họ, chứ không phải là ngồi soạn ra thứ quy định trên trời thế này.
Công chức Hà Nội bị cấm nói tục, dùng tiếng lóng
Chánh Văn phòng Nguyễn Thịnh Thành vừa ký Quy chế thực hiện kỷ cương hành chính và văn hóa công sở tại Văn phòng UBND thành phố Hà Nội. Theo đó, công chức văn phòng phải nhã nhặn, lắng nghe ý kiến, giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về các quy định liên quan đến giải quyết công việc. Khi giao tiếp qua điện thoại, cần trao đổi ngắn gọn, tập trung vào nội dung công việc; không ngắt điện thoại đột ngột.
Ngôn ngữ trong giao tiếp với đồng nghiệp phải chuẩn mực, rõ ràng mạch lạc, không nói tục, nói tiếng lóng.
Đó là chưa kể các quy định: đám ma không quá 7 vòng hoa; đám cưới không quá 30 mâm, 300 khách…
Thực sự phải nói đây đều là những quy định rất hay, rất tốt…nhưng nếu mà thực hiện được thôi. Nhưng thử hỏi tính khả thi của những quy định này đến đâu, ai sẽ là người xử phạt? hay phải thành lập một tổ chuyên đi rình rập nghe ngóng xem người khác nói chuyện với nhau như thế nào? Đó là chưa kể lời nói, gió bay, lấy gì làm chứng cứ để phạt người ta? Hay lúc đó lại phải đề xuất trang bị phương tiện ghi âm, ghi hình để làm bằng chứng. Từ khi có quy định…đám ma….đám cưới… đó, thử hỏi bao nhiêu trường hợp đã bị xử phạt rồi.
Thiết nghĩ tất cả những quy định đều phải được tôn trọng và thực thi một cách nghiêm túc, quy định chỉ để cho có, rồi để đấy thì không nên quy định làm gì. Nó không những gây phản cảm cho xã hội mà còn giảm uy quyền của cơ quan ban hành.
Đề xuất xưng “tôi” trong công sở!
Thời gian qua, một số giáo sư, tiến sĩ có tên tuổi đề xuất đổi cách xưng hô thân mật thường thấy hiện nay trong các công sở bằng cách xưng “tôi”, còn người được xưng hô thì tùy vào độ tuổi có thể xưng hô theo kiểu “tôi – anh”, “tôi – bác”, “tôi – chú”… . Với lập luận cho rằng, khi xưng “tôi” sẽ thể hiện sự ngang hàng và người nói sẽ cảm thấy tự tin hơn, không e dè, sợ sệt gì khi nêu ý kiến của mình.
Theo cá nhân tôi, bản thân cũng có những giao tiếp xã hội nhất định, cũng từng có thời gian làm việc trong cơ quan hành chính. Tôi thấy sự tự tin không phải đến từ những cách xưng hô, mà xuất phát từ chính mỗi con người chúng ta. Một phần do bản tính điềm tĩnh, tự tin. Một phần là do sự tự tin vào những gì mình sẽ nói. Nếu như bản thân người nói không tự tin vào mình, không tự tin vào những gì mình nói thì có xưng hô thế nào cũng không bao giờ lấy lại tự tin được cả.
Hơn nữa, cách xưng hô đó nó thể hiện sự thân mật, đó là truyền thống, là đức tính quý báu của con người Việt Nam ta. Nó tạo ra không khí làm việc thân thiện, thoải mái. Đây là yếu tố quan trọng để làm việc hiệu quả.Trong môi trường làm việc mà người này người khác cứ câu lệ xưng hô thế nọ, xưng hô thế kia thì rất khó sống, cảm thấy không thoải mái.
Bây giờ đề xuất như vậy, nếu người ta không chấp hành thì sao? Chẳng lẽ đi phạt một người vì người ta xưng hô không đúng ah? Xưng hô thân mật thì nó xâm phạm đến cái gì, nó ảnh hưởng nghiêm trọng lắm ah?
Trong khi pháp luật còn nhiều điểm không phù hợp, cần điều chỉnh thì chúng ta không tập trung làm, chúng ta lại đi soi mói những thứ rất nhỏ nhặt rồi đề xuất những cái mà tính khả thi của nó rất thấp. Ngẫm lại quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, là một quy định rất hợp lòng dân, ai ai cũng hưởng ứng, nhưng thử hỏi chúng ta đã xử phạt được bao nhiêu trường hợp rồi. Để mỗi người tự xem xét tình khả thi của những quy định này!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét