Kin Kin - Đã hơn một tháng trôi qua kể từ khi Trung Quốc lắp đặt trái phép giàn khoan HD – 981 trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Cho đến nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chung một ý chí đánh đuổi quân xâm lược, kiên trì biện pháp đấu tranh bằng hòa bình. Bên cạnh đó, chúng ta cũng kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong việc lên án hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Cũng nhân dịp này, đã xuất hiện một số bài đăng có nội dung lập luận dựa trên cơ sở của câu "Lúc khó khăn mới biết ai là bạn ?" để phân tích, hùng biện cho rằng Việt Nam đang đơn độc trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền trên biển đối với Trung Quốc. Để có lối thoát cho tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam phải thay đổi đường lối đối ngoại của mình, phải liên kết với các nước khác cùng chống lại Trung Quốc. Thực tế, trên thế giới đang có không ít sự "liên minh", có thể kể ra: Nhật - Mỹ, Hàn Quốc - Mỹ, Philipins - Mỹ, Thái Lan - Mỹ, Triều Tiên – Trung Quốc... Hay những liên minh có sự "phụ thuộc" như NATO trong đó nòng cốt là Anh, Pháp và Mỹ. Có thể thấy sự phụ thuộc, bảo trợ của Mỹ là rất lớn, các nước phụ thuộc sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ sự bảo hộ này. Nhưng tại sao Việt Nam không như vậy? Và chúng ta có bị đơn độc trong cuộc chiến với Trung Quốc không?
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Việt Nam đã đi theo con đường ngoại giao độc lập. Với dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam để biến hai từ "độc lập" thành hiện thực đất nước ta, dân tộc ta đã phải đánh đổi bằng nhiều cuộc chiến tranh chống quân xâm lược. Nhắc lại lịch sử có lẽ là thừa vì tất thảy các quốc gia trên thế giới đều đã biết lịch sử Việt Nam gắn liền với những cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và với những hy sinh mất mát, có lẽ hơn bất cứ dân tộc nào trên thế giới Việt Nam hiểu sự quý giá của hai từ "độc lập". Điều này lý giải cho chính sách đối ngoại của Việt Nam: “độc lập và tự chủ”.
Từ chính sách đối ngoại như vậy, Việt Nam dù tiềm lực kinh tế không mạnh, đất nước còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta kiên quyết không phụ thuộc vào bất cứ quốc gia nào, Việt Nam cũng không liên minh với bất cứ quốc gia nào, không tham gia bất cứ một khối liên minh quân sự nào.
Đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ” đã trở thành bản sắc riêng của Việt Nam, Việt Nam sẽ không bao giờ thay đổi, điều này đã được phản ánh trong rất nhiều các nghiên cứu về Việt Nam. Vì họ biết đối với đất nước ta "độc lập - tự do" là trên hết. Tác giả xin trích nội dung nhận định của Giáo sư Carl Thayer (một chuyên gia quân sự châu Á của Đại học New South Wales và Học viện quốc phòng Úc, trong bài viết cho trang The Diplomat ngày 28.5) đối với tình huống xấu sẽ xảy ra và việc làm của Chính phủ Việt Nam (khả năng rất cao sẽ được người dân Việt Nam ủng hộ) trong sự việc căng thẳng với TQ tại Biển Đông:
"Chiến lược ngăn chặn thứ hai mà Việt Nam có thể dùng đến là “bảo đảm hủy diệt lẫn nhau”, chỉ được áp dụng cho một tình thế nghiệt ngã khi quan hệ Việt – Trung tồi tệ đến mức trở thành xung đột vũ trang.
Mục đích của chiến lược này không phải là đánh bại Trung Quốc mà chỉ gây đủ thiệt hại vật chất và bất ổn tâm lý, khiến giá bảo hiểm của Công ty Lloyd đối với các tàu biển tăng vọt và khiến các nhà đầu tư nước ngoài hoảng hốt bỏ chạy.
Theo chiến lược này, nếu xung đột vũ trang bùng nổ, Việt Nam sẽ dành ưu tiên cho việc nhắm vào các thương thuyền và các tàu chở dầu mang cờ Trung Quốc hoạt động trong vùng cực nam biển Đông. Việt Nam hiện có tên lửa đạn đạo ven biển có thể bắn đến các căn cứ hải quân Trung Quốc trên đảo Hải Nam và đảo Phú Lâm.
Các nhà hoạch định chiến lược Việt Nam còn nêu rằng Việt Nam phải mua ngay số lượng lớn tên lửa đạn đạo có khả năng bắn đến Thượng Hải và thậm chí đến cả Hồng Kông.
Trong trường hợp có xung đột vũ trang, những thành phố này và nhiều thành phố khác có thể trở thành mục tiêu oanh tạc, nhằm gây rối loạn rộng lớn cho nền kinh tế Trung Quốc.
Việc này sẽ có một tác động toàn cầu. Các nhà chiến lược Việt Nam tin chắc rằng các cường quốc quan trọng sẽ can thiệp để chống lại hành động xâm lược của Trung Quốc."
Trong tình hình quốc tế hiện nay, việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp vũ trang đã không còn là xu thế mà đã trở thành cá biệt. Việt Nam cũng như đa số các quốc gia trên thế giới đều không muốn có một cuộc chiến tranh vũ trang nổ ra vì ai cũng biết trong mối quan hệ lợi ích đan xen như hiện nay việc 2 quốc gia sử dụng biện pháp vũ trang để giải quyết tranh chấp sẽ kéo theo những hệ lụy không nhỏ cho nhiều nước khác. Với Việt Nam - Trung Quốc cũng vậy.
Giải pháp cho vấn đề Biển Đông mà Chính Phủ Việt Nam đang tiến hành vẫn thể hiện được sự thống nhất trong quan điểm ngoại giao và tư tưởng "không có gì quý hơn độc lập tự do" (đã trở thành niềm tự hào của dân tộc Việt Nam). Chính phủ Việt Nam đã và sẽ tiếp tục đấu tranh trên tất cả các mặt: Thực địa, Ngoại giao, Dư luận quốc tế, diễn đàn quốc tế và đến thời điểm này Việt Nam đã cân nhắc tới biện pháp pháp lý. Tất cả vẫn là những giải pháp hòa bình. Các giải pháp này sẽ cần sự kiên trì, nỗ lực rất lớn của Việt Nam so với việc "thay đổi chính sách đối ngoại" để nhận được sự hỗ trợ vũ khí từ Mỹ để khiến Trung Quốc dè chừng hơn là chỉ ủng hộ về mặt tinh thần từ Mỹ và Nhật như hiện nay.
Hành động của Trung Quốc đã bị cả cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ trong các tuyên bố ngoại giao và trên các diễn đàn, tại Đối thoại Shangri – la lần thứ 13 vừa qua là một minh chứng rõ nét. Việt Nam không cần phải tuyên truyền, thanh minh mà chính những hành động ngang ngược, vô nhân đạo của Trung Quốc đã tự tố cáo đất nước này với toàn thế giới. Những kẻ cho rằng Việt Nam đang “đơn độc” trong cuộc chiến với Trung Quốc mới chính là những kẻ đang bị cô lập với thế giới thông tin. Có lẽ hiểu theo nghĩa của một số học giả dân chủ thì Việt Nam "đơn độc" trong vấn đề Biển Đông. Nhưng xin thưa! giữa "đơn độc" và “tự chủ” giải quyết vấn đề chủ quyền quốc gia bằng những biện pháp hòa bình, tuân theo luật pháp quốc tế, trong đó tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế là hoàn toàn khác nhau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét